Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm

07/12/2018 10:19 AM

(Chinhphu.vn) - Việc tiêm vaccine phòng bệnh không chỉ có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm đối với sức khỏe của mỗi người mà còn tạo miễn dịch phòng bệnh cho cả cộng đồng, tránh được việc bùng phát thành dịch khi có vaccine phòng bệnh.

Tiêm phòng vaccine đầy đủ để phòng cao nhất. Ảnh: Thiện Tâm

Theo bác sĩ chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, vaccine là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm được sử dụng rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Vaccine không những có thể phòng bệnh cho những người được tiêm chủng mà còn bảo vệ cho cộng đồng khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, khống chế và thanh toán được bệnh. Đến nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh. Trước đây khi chưa có vaccine tiêm chủng có rất nhiều trẻ em tử vong vì những căn bệnh truyền nhiễm như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản… Từ khi khoa học tìm ra được vaccine phòng bệnh, trẻ em hoàn toàn có thể được bảo vệ nhờ vaccine. Chính vì vậy, nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm chủng không đầy đủ hoặc không đúng lịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm dẫn đến tàn tật và tử vong, thậm chí gây bùng phát dịch lớn trong cộng đồng.

Tiêm vaccine là việc làm cần thiết để phòng bệnh nhất là đối với trẻ em từ những ngày đầu đời, nó giống như một chiếc áo giáp bảo vệ trẻ khỏi những mầm bệnh nguy hiểm bên ngoài. Tiêm vaccine sẽ giúp trẻ có cơ hội sống khỏe mạnh nhờ được tiêm phòng, tiết kiệm chi phí và thời gian, bảo vệ những người thân yêu bên cạnh, góp phần phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.

Theo đó, để chủ động phòng chống bệnh sởi - rubella, Hà Nội đã triển khai tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi từ ngày 26/11/2018. Đến nay, tỷ lệ tiêm toàn thành phố mới chỉ đạt trên 50%. Hà Nội phấn đấu kết thúc chiến dịch đạt mục tiêu trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi được tiêm chủng bổ sung vaccine sởi - rubella trên quy mô xã, phường để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao.

Theo nhận định của bác sĩ Khổng Minh Tuấn, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi-rubella trên toàn quốc cũng như tại Hà Nội trong các năm gần đây đạt cao nhưng theo các chuyên gia nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% quy mô xã, phường thì công tác phòng bệnh mới đạt hiệu quả tại cộng đồng, còn có nơi trên 95% hoặc có nơi dưới 90% vì vẫn có vùng “lõm” có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.

Theo bà Nguyễn Thúy Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), bệnh sởi là loại bệnh cấp tính do vi rút sởi gây nên, đây là bệnh truyền nhiễm, khả năng lây nhiễm cao, gây dịch trên quy mô lớn. Biến chứng của bệnh sởi là viêm phổi nặng, viêm não, viêm tai giữa, mờ hoặc loét giác mạc, suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em. Nếu như người chưa miễn dịch với sởi mà nhiễm virus này thì 100% sẽ mắc bệnh. Nhưng khi người mắc bệnh rồi hoặc tiêm phòng vaccine thì sẽ được miễn dịch, rất khó mắc bệnh.

Năm 2016 đánh dấu 1 mốc son chói lọi cho ngành y học dự phòng Việt Nam khi là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất được vaccine phối hợp sởi-rubella (MR). Vaccine MR đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Để sản xuất được vaccine MR, cần có vaccine bán thành phẩm sởi, vaccine bán thành phẩm rubella, sau đó thực hiện quy trình phối trộn 2 loại này vào để cho ra vaccine bán thành phẩm cuối cùng phối hợp sởi-rubella, tiến hành đóng lọ, đông khô để tạo ra vaccine thành phẩm phối hợp sởi-rubella. Nguyên liệu sản xuất bán thành phẩm sởi là trứng gà sạch SPF nhập từ Đức. Còn nguyên liệu sản xuất bán thành phẩm rubella là thỏ sạch SPF nhập từ Nhật Bản. Dây chuyền sản xuất vaccine MR của POLYVAC đã đạt chứng nhận thực hành tốt sản xuất WHO-cGMP do Bộ Y tế cấp.

Bà Nguyễn Thúy Hường cũng cho biết, việc tự sản xuất được vaccine sởi sẽ chủ động được nguồn cung cấp vaccine cho tiêm chủng mở rộng, đảm bảo được an ninh về vaccine phòng bệnh. Chính vì thế năm 2014 khi Việt Nam xuất hiện dịch sởi, POLYVAC đã kịp thời cung cấp hơn 5 triệu liều vaccine góp phần kịp thời dập tắt dịch sởi chỉ trong 1 thời gian ngắn. Theo báo cáo của các tỉnh, đã có trên 50.000 trẻ từ 18-24 tháng tuổi được tiêm vaccine MR, không ghi nhận bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng nào. Việc vắc xin MR được cấp phép lưu hành đã đánh dấu bước phát triển của ngành vaccine nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung. Điều này đã giúp cho Việt Nam chủ động được nguồn vaccine phòng chống dịch bệnh sởi-rubella.

Như vây có thể thấy việc tiêm vaccine có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, vì vậy phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tại các cơ sở y tế để công tác phòng bệnh đạt hiệu quả cao.

Thiện Tâm

Top