Tiến tới dừng xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030

19/03/2019 7:00 PM

(Chinhphu.vn) – Nghị quyết HĐND TP. Hà Nội đã nêu rõ đến năm 2030 phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Ảnh minh họa

Chiều 19/3, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy, Sở GTVT Hà Nội đã thông tin về Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị cho rằng, ùn tắc giao thông là vấn đề tiêu điểm của tất cả các thành phố trên thế giới nhất là các đô thị đang trong quá trình phát triển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020 với 4 nhóm giải pháp: Tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân, tạo thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng; công tác tổ chức quản lý và điều hành giao thông khoa học hợp lý; kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông; tổ chức giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, giải tỏa lòng đường vỉa hè.

Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, bên cạnh việc giải quyết được các điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các điểm ùn tắc mới, nguyên nhân chủ yếu là do việc phát triển quá nhanh phương tiện giao thông cá nhân trong khi hạ tầng giao thông không theo kịp. Chính vì vậy, Thành ủy đã chỉ đạo UBND Thành phố xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” trình HĐND Thành phố xem xét ban hành Nghị quyết về Đề án này .

Ngày 04/7/2017, tại kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố khóa XV đã ban hành Nghị Quyết số 04/2017/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” với sự thống nhất cao trong đó có nội dung xây dựng Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc đề xuất phạm vi, lộ trình phân vùng hạn chế hoạt động đối với xe máy phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực của hệ thống giao thông công cộng bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn Thành phố và thực hiện mục tiêu dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030 theo đúng Nghị quyết HĐND Thành phố.

Yêu cầu của Đề án là xây dựng được nguyên tắc và xác định các điều kiện cần thiết để có thể hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với năng lực cơ sở hạ tầng giao thông và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng; xác định được những yêu cầu cần giải quyết để bảo đảm việc đi lại của nhân dân khi hạn chế hoạt động của xe máy; đánh giá được sự tác động bất lợi của việc hạn chế hoạt động của xe máy để có các giải pháp khắc phục và hạn chế các bất lợi; bảo đảm tính khả thi và đáp ứng tốt sự đi lại cũng như sinh hoạt của nhân dân.

Trước khi dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, Hà Nội sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng. Tuyến và khu vực hạn chế hoạt động xe máy phải có hệ thống VTHKCC và các phương tiện giao thông thay thế đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đồng thời, tổ chức giao thông hợp lý, đáp ứng việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực hạn chế. Bảo đảm kết nối giữa các loại hình phương tiện giao thông; mở rộng không gian và các tuyến phố đi bộ nhằm tạo thói quen đi bộ và kết hợp với việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Theo Đề án, có 2 hình thức phân vùng gồm phân vùng hạn chế hoạt động theo tuyến đường và phân vùng hạn chế hoạt động theo khu vực. Việc tổ chức hạn chế hoạt động có thể theo thời gian trong ngày và theo ngày trong tuần

Về lộ trình thực hiện, trong giai đoạn 2019-2020, sẽ nghiên cứu xây dựng Đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ tổ chức công khai lộ trình thực hiện và triển khai các bước thực hiện theo lộ trình được duyệt.

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, Đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào trong nội thành là căn cứ theo lộ trình đã định sẵn trong Nghị quyết của HĐND Thành phố. Đây cũng là đề án, lộ trình và cũng đang nghiên cứu cho phù hợp chứ không phải là thực hiện ngay.

“Việc thực hiện Đề án không phải nhằm gây khó cho người dân mà nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại và vì lợi ích chung, vì một môi trường trong sạch và một đô thị phát triển bền vững. Mong muốn của Thành phố là cái gì có lợi nhất cho xã hội thì làm chứ không phải vấn đề cá nhân”, ông Viện nói.

Bích Phương

Top