Tiếp tục đầu tư, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

22/01/2016 4:15 PM

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư, tạo nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao chất lượng và tăng số lượng.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, vượt qua nhiều khó khăn, ngành công nghiệp của Hà Nội đã có sự phục hồi, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tăng bình quân 9%/năm. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.

Giai đoạn này, thành phố đã dành hơn 54 tỷ đồng để thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực cả về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển thị trường.

Nhờ đó, đến nay, Hà Nội đã có 60 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 49 doanh nghiệp, trong đó: nhóm sản phẩm ngành cơ khí là 20/60 (chiếm tỷ trọng 33%); Sản phẩm ngành Điện - Điện tử là 21/60 (chiếm tỷ trọng 35%); Sản phẩm ngành Dệt may - da giầy là 6/60 (chiếm tỷ trọng 10 %); Sản phẩm ngành hóa - nhựa là 8/60 (chiếm tỷ trọng  13 %); Sản phẩm ngành chế biến nông sản thực phẩm là 5/60 (chiếm tỷ trọng 9%). Đây là những sản phẩm tiêu biểu cho công nghiệp Thủ Đô, phản ảnh đúng những ngành sản xuất công nghiệp truyền thống có thế mạnh của Thủ đô: cơ khí chế tạo và điện – Điện tử.

Việc công nhận và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố đã góp phần tăng giá trị thương hiệu và thúc đẩy kết quả sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì ổn định và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Trong giai đoạn tới khi nền kinh tế nước ta bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội nói riêng sẽ đứng trước nhiều thách thức.

Để phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực trong giai đoạn 2016 - 2020, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, Thành phố cần quan tâm mạnh mẽ đến sản phẩm và doanh nghiệp FDI (bộ phận đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu), đưa vào chương trình phát triển sản phẩm chủ lực để có chính sách hỗ trợ thích đáng, tạo lập và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Phấn đấu đến năm 2020, tăng số lượng sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực lên 150 sản phẩm.

Tiếp tục phát triển chương trình, nâng cao vị thế của các sản phẩm công nghiệp chủ lực được tôn vinh, đẩy mạnh sức lan tỏa của chương trình trong cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự phát triển chung của công nghiệp Thủ đô. Rà soát, lựa chọn những sản phẩm xứng đáng, có qui mô tầm cỡ cả phương diện sản lượng và chất lượng, mang tính tiêu biểu và đại diện, phù hợp với thông lệ quốc tế, đúng chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ngoài các giải pháp chung nhằm cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và nằm trong tổng thể phát triển công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp, sản phẩm công nghiệp Thủ đô, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành theo hướng ngày càng minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, tạo sức lan tỏa lớn.

Đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ về chi phí vốn còn phù hợp; mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; đa dạng hóa hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, các chính sách về phát triển công nghệ; tăng các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, đẩy mạnh việc tìm kiếm khai thác các thị trường mới nổi…

Diệu Anh

Top