Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai

21/03/2017 11:06 AM

(Chinhphu.vn)-Thành phố đã hoàn thành cơ bản công tác lập hồ sơ địa chính, để trong năm nay, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai.

Trong giai đoạn 2017-2020, Thành phố tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm tài nguyên đất đai được quản lý, sử dụng có hiệu quả-Ảnh minh họa

Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đất đai đồng bộ

Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành quản lý đất đai giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian qua, Thành phố đã chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án với phương châm hành động, quyết liệt, lộ trình cụ thể; các cấp, các ngành của thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên một số lĩnh vực. Trong đó có việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của theo hướng đổi mới, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, sắp xếp lại các cơ quan tham mưu, giúp việc UBND thành phố theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và tinh giản biên chế.

Trong đó, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường phù hợp với hướng dẫn tại các nghị định của Chính phủ và thực tế công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố. Thành phố cũng đã tiến hành từng bước hiện đại hóa hành chính, trọng tâm là xây dựng hạ tầng Công nghệ thông tin (CNTT) và ứng dụng các phần mềm dùng chung trong quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Việc xác định đúng nội dung ưu tiên, đầu tư có trọng điểm cho CNTT đã góp phần quan trọng tạo bước chuyển biến mạnh, đạt hiệu quả rõ nét trong công tác CCHC. Thành phố cũng chỉ đạo kịp thời xây dựng, ban hành, bổ sung các quy định, hướng dẫn trong lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho phù hợp với Luật Đất đai và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Phát huy kết quả đạt được, trong giai đoạn từ 2017-2020, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm tài nguyên đất đai được quản lý, sử dụng có hiệu quả. Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đất đai đồng bộ; nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai.

Đồng thời lập hệ thống bản đồ quỹ đất chuyên trồng lúa, thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững. Thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm, đảm bảo phân bổ đất đai cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội phù hợp.

Cùng với đó, hoàn thành cơ bản công tác lập hồ sơ địa chính, đến năm 2017 cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai. Hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính về đất đai bảo đảm huy động tối đa nguồn lực đất đai phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về đất đai. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Đặc biệt, Thành phố đã hoàn thiện cơ chế quản lý và hệ thống tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ thành phố đến cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai; tập trung xây dựng và hoàn thiện các tổ chức dịch vụ công về đất đai.

Trong đó, có lưu ý phát triển nguồn nhân lực ngành Quản lý đất đai đủ về số lượng, chất lượng, đến năm 2020, tỷ lệ cán bộ quản lý đất đai ở thành phố có trình độ trên đại học đạt 20%, tỷ lệ cán bộ quản lý đất đai ở địa phương có trình độ đại học trở lên đạt trên 75%. Tăng cường đầu tư, đổi mới trang thiết bị chuyên dùng và công nghệ hiện đại hóa cơ quan quản lý đất đai, nhằm nâng cao năng lực thực hiện các nhiệm vụ quản lý; thực hiện cung cấp thông tin về đất đai, quy hoạch sử dụng đất qua mạng thông tin đối với các quận, thị xã.

Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đất đai

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về đất đai, thời gian qua, đi đôi với tuyên truyền phổ biến đưa pháp luật vào cuộc sống, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.

Hằng năm, UBND thành phố đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, trong đó có đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về đất đai; thường xuyên cử cán bộ công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về quản lý hành chính, chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Trong năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 3 khóa đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý tài nguyên và môi trường cho 1.170 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở thực hiện tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, từng bước đã gây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tham mưu xây dựng các chính sách, tuyên truyền phố biến chính sách pháp luật đất đai.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được Thành phố chỉ đạo quyết liệt. Qua đó, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích, đảm bảo công bằng theo quy định của luật đất đai.

Năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 66 đoàn (trong đó 41 đoàn thanh tra, kiểm tra về đất đai, 22 đoàn thanh tra về môi trường và tài nguyên nước, 3 đoàn thanh tra về lĩnh vực khoáng sản).

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra thành phố chủ trì thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo thống kê, năm 2016, UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền 58 quyết định với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng (Trong đó 11 quyết định xử phạt hành chính về đất đai với số tiền 126,5 triệu đồng, 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính vê lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước với số tiền 2,915 tỷ đồng).

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND thành phố ban hành 3 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích thu hồi 1.955,9 m2 đất vi phạm pháp luật đất đai...

Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra việc kiểm tra, sử dụng đất nông nghiệp tại các quận, huyện, thị xã. Kết quả xử lý các trường hợp vi phạm (xây dựng không phép, trái phép, san lấp ao hồ, lấn chiếm đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông...) trên địa bàn 8 quận, huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đông Anh, Quốc Oai, Ứng Hoà, Cầu Giấy, Thạch Thất.

Tổng hợp

Top