Tiêu thụ sản phẩm VietGap còn nhiều khó khăn

08/08/2016 5:35 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù sản xuất rau, củ VietGap sẽ giúp cho bà con nông dân có thu nhập cao gấp 3 đến 10 lần so với trồng lúa truyền thống nhưng thực tế cho thấy việc tiêu thụ rau, củ VietGap đang gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Mặc dù được sản xuất, sơ chế theo tiêu chuẩn VietGap nhưng vấn đề tiêu thụ nông sản ở Đặng Xá còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tú Mai

Đây thực trạng đang tồn tại ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá, sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, bỏ lối canh tác cũ là cấy lúa, trồng ngô sang thâm canh rau, củ, quả theo quy trình sản xuất VietGap, xã đã quy hoạch được 5 vùng sản xuất tập trung, với diện tích khoảng 140ha. Hàng năm, Hợp tác xã cùng với Trạm Bảo vệ thực vật, Khuyến nông… của huyện tổ chức tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất rau an toàn VietGap cho bà con nông dân; xây dựng bể xi măng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải... Bên cạnh đó, địa phương cũng ứng dụng xử lý chất thải nông nghiệp thành phân vi sinh và kỹ thuật nuôi côn trùng có lợi để diệt côn trùng có hại, vừa bảo đảm an toàn cho cây trồng và tiết kiệm chi phí. Nhờ được tập huấn kỹ càng và sự tham gia tích cực của các hộ mà từ việc cấy trồng, chăm bón, phun thuốc trừ sâu… đều được bà con ghi chi tiết vào nhật ký sản xuất, bảo đảm thời gian cách ly từ khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến khi thu hoạch.

Tuy nhiên, để tiêu thụ rau, củ VietGap hiện nay của địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ lại chủ yếu đưa vào các chợ đầu mối trong khi người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt rau sản xuất theo quy trình VietGap với rau trồng truyền thống. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng bị mất giá hoặc sản phẩm VietGap còn trở thành thức ăn cho gia súc, gia cầm khi không có người mua.

Thực tế, để giải quyết khó khăn, thời gian qua Hợp tác xã địa phương đã tích cực tham gia rất nhiều hội chợ trong và ngoài thành phố để quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra cho rau, củ an toàn của địa phương. Đồng thời thành lập 12 tổ thu gom sản phẩm tại các chợ đầu mối và hiện xã có khoảng 1 nghìn hộ nông dân tham gia vào quy trình sản xuất rau an toàn VietGap.

Năm 2015, xã Đặng Xá cũng thực hiện ký kết với Công ty TNHH An Lợi và Công ty Cổ phần công nghệ cao An sinh để thu gom, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau củ quả an toàn. Nhưng việc liên kết này chỉ thu gom, sơ chế được 50 đến 100kg/ngày không thể thu gom, sơ chế được hết lượng sản phẩm nông sản hàng chục tấn mỗi ngày mà bà con sản xuất. Vì vậy, việc tiêu thụ rau, củ an toàn của Đặng Xá vẫn còn quá bấp bênh, chưa có lối giải quyết phù hợp và mang lại hiệu quả tương xứng so với giá trị đầu tư.

Chính vì vậy, để có được đầu ra phù hợp, xã Đặng Xá cũng như huyện Gia Lâm cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối và mở rộng nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị… Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tiến hành kiểm định chất lượng sản phẩm thường xuyên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; thực hiện liên kết 4 nhà để bảo đảm thị trường tiêu thụ, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân trong vùng.

Tú Mai

Top