Tìm giải pháp phát triển hiệu quả cho chăn nuôi Thủ đô

21/09/2017 2:18 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, việc chăn nuôi khu vực ngoại thành Hà Nội đã được đẩy mạnh tương đối nhanh và toàn diện, trở thành sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp ngoại thành.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Minh Nhung

Nội dung trên được đưa ra tại Hội thảo phát triển chăn nuôi ổn định, hiệu quả và bền vững, diễn vào ngày 21/9, do Sở NN&PTNT tổ chức.

Nguồn lực phát triển mạnh...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội cho biết, tính đến đầu năm 2017, Hà Nội có 1,8 triệu con lợn, tăng 16,9%; đàn bò có 135 nghìn con; đàn gia cầm có 28,8 vạn con... thuộc tốp đầu cả nước. Do chăn nuôi phát triển đã nâng tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi lên 45,7% trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giải quyết việc làm cho nông dân.

Bên cạnh đó đã hình thành khu vực chăn nuôi trọng điểm, quy mô lớn ngoài khu dân cư với 13 xã chăn nuôi lợn, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 19 xã chăn nuôi bò sữa, 29 xã chăn nuôi gia cầm... Chăn nuôi quy mô trang trại cũng ngày càng phát triển với 3,8 nghìn trang trại.

Để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định và hiệu quả, ngành nông nghiệp đã xây dựng 21 chuỗi liên kết gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với 3 nghìn nông hộ, trang trại và 100 doanh nghiệp tham gia. Các chuỗi liên kết đã bước đầu bán sản phẩm có xuất xứ và thương hiệu hàng hóa, được kiểm định sản phẩm, cung cấp sản phẩm tại siêu thị, cửa hàng tiện ích... tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi.

Ngoài ra, chăn nuôi giống gia súc, gia cầm bản địa, chăn nuôi sinh học và hữu cơ bước đầu hình thành phát triển, tiêu thụ ổn định với giá bán cao, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi như: Mô hình chăn nuôi gà đồi tại Ba Vì, huyện Sóc Sơn, chăn nuôi lợn hữu cơ tại trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn) cung cấp cho thị trường 1,5 tấn thịt/ngày, 24 hộ chăn nuôi lợn sinh học đã cung cấp 5 tấn thịt/ngày.

...nhưng gặp nhiều rủi ro

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng từ đầu năm đến nay, chăn nuôi đứng trước những thách thức và rủi ro lớn. Sản phẩm sữa tươi rớt giá từ 14.000 đồng/lít xuống còn 7.000-8.000 đồng/lít, nhiều lúc sữa không bán được phải cho lợn ăn. Giá thịt lợn hơi từ mức 45.000-50.000 đồng/kg thịt lợn hơi, giảm xuống còn 18.000-20.000 đồng/kg mà vẫn không tiêu thụ được, nhiều nông hộ phải giết lợn nái, bán đổ bán tháo lợn thịt, ngừng chăn nuôi, dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn, không có khả năng trả nợ ngân hàng. Thảm cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa" diễn ra với sản xuất lúa, dưa hấu... nay lại diễn ra với chăn nuôi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chăn nuôi phát triển quá nóng, nguồn cung sản phẩm vượt quá sức mua của dân. Cả nước có 33 triệu lợn, bình quân một người dân phải tiêu thụ ba con lợn/năm. Hà Nội phát triển đàn lợn lớn nhất cả nước, tốc độ tăng từ 12-15%/năm. Đàn bò sữa từ 9 nghìn con năm 2013 tăng lên 16 nghìn con năm 2016, tăng gần 20%/năm. Trong khi đó, tâm lý tiêu thụ thực phẩm của nhân dân đã thay đổi, giảm mức tiêu thụ thịt lợn, tăng tiêu dùng thịt gà, thịt bò, cá... dẫn đến sản phẩm thịt lợn dư thừa.

Ngoài ra, chăn nuôi của Hà Nội vẫn còn mang tính tự phát theo phong trào, phụ thuộc vào xuất khẩu thịt lợn cho Trung Quốc, khi Trung Quốc ngừng mua, kéo giá thịt lợn xuống nhanh không có điểm dừng.

Bên cạnh đó, chăn nuôi còn phân tán nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá thành cao vẫn chiếm tỷ trọng cao. Việc ứng dụng kỹ thuật và công nghệ chăn nuôi mới chỉ được các trang trại, khu vực chăn nuôi trọng điểm thực hiện. Do vậy năng suất chăn nuôi thấp, một lợn nái chỉ sản xuất 16-18 lợn con/năm, trong khi ở các nước phát triển sản xuất 28-30 lợn con/năm. Tổ chức thị trường tiêu thụ chưa tốt, tâm lý thích dùng thịt lợn tươi, tiện mua bán tại các chợ của người tiêu dùng chưa được tuyên truyền, vận động để thay đổi theo hướng tiêu dùng thịt mát, thịt đã qua sơ chế, vừa sạch vừa an toàn. Do vậy Thành phố đã đầu tư thêm nhiều xí nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm tập trung chỉ hoạt động từ 15%-20% công suất. Trong cùng điều kiện, thành phố Hồ Chí Minh 80% gia súc, gia cầm được giết mổ tại các xí nghiệp giết mổ, thịt lợn được gắn mã ghi rõ nơi sản xuất nên sản phẩm được kiểm định an toàn.

Tìm hướng phát triển hiệu quả

Để khắc phục tồn tại, giảm thiểu rủi ro nhằm phát triển chăn nuôi bền vững và hiệu quả, theo ông Bùi Tuấn Khải, chăn nuôi Hà Nội cần quy hoạch và định hướng chăn nuôi theo hướng giảm quy mô đầu con, tăng cường năng suất, chất lượng sản phẩm, coi trọng phát triển nuôi gia súc, gia cầm bản địa, bò thịt, nuôi lợn sinh học và hữu cơ. Trong từng thời điểm cần thông tin dự báo thị trường kịp thời để người chăn nuôi biết và điều chỉnh chăn nuôi cho phù hợp.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người sản xuất.

Trong đó trọng tâm là tập trung phát triển con giống, giảm chăn nuôi lợn thương phẩm, chú trọng chăn nuôi lợn sinh học và hữu cơ. Đồng thời đa dạng các sản phẩm chăn nuôi khác như chăn nuôi dê, thỏ, gà đồi... Chú trọng các mô hình chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái, thăm quan để đẩy mạnh chăn nuôi phát triển.

Đồng thời, tiếp tục phát triển chăn nuôi vùng trọng điểm, kết hợp với các tỉnh, thành, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, chăn nuôi trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, an toàn.

Đặc biệt, Hà Nội cần đẩy mạnh công nghệ cao trong chăn nuôi, phổ cập sản xuất và nhân giống gia súc, gia cầm cao sản, qui trình sản xuất gia súc, gia cầm sinh học và hữu cơ. Đồng thời bảo đảm vấn đề chất thải, vệ sinh môi trường. 

Bên cạnh đó cần tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị nhằm xây dựng ngành chăn nuôi liên thông từ "sản xuất tới bàn ăn" an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Minh Nhung

 

Top