Tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả quản lý

19/11/2017 12:28 PM

(Chinhphu.vn) - "Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả" và "Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp" là hai chủ đề được UBND TP.Hà Nội đề xuất lựa chọn để tập trung chỉ đạo, điều hành trong năm 2018.

Sáng 19/11, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội khoá XVI.

Hội nghị lần thứ XI BCH Đảng bộ TP.Hà Nội khoá XVI-Ảnh: Gia Huy

Dẫn đầu cả nước về đăng ký kinh doanh qua mạng

Đánh giá chung về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, kinh tế-xã hội Thành phố năm 2017 đạt kết quả khá toàn diện, hoàn thành kế hoạch đề ra là tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%. 

Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP (08 dự án đã hoàn thành với vốn đầu tư 13.683 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, qua theo dõi năm 2017 cho thấy tốc độ tăng GDP của Hà Nội tăng đều qua các quý. Trong 6 tháng đầu năm 2017 tuy tình hình chung của cả nước khó khăn nhưng Thành phố đã nỗ lực để  đạt được tốc độ tăng trưởng đề ra. Trong đó, ngành du lịch, dịch vụ có sự tăng trưởng bứt phá; lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp tuy đã duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng cũng có bước chậm lại, chưa có dư địa phát triển mạnh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đây là vấn đề Thành phố cần tập trung các giải pháp trong năm 2018.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, năm 2017, môi trường đầu tư kinh doanh của Thủ  đô được cải thiện đáng kể, niềm tin đối với môi trường đầu tư của Thành phố được cải thiện không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài khi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng. Đăng ký kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong năm qua đã phát triển được trên 25 nghìn doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2016, là mức tăng cao so với những năm trước. 

Kết quả này cho thấy, Hà Nội là địa phương tiên phong đi đầu cả nước về tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng (tỷ lệ cả nước mới đạt được khoảng 45%), đây là sự dẫn đầu của Thành phố trong việc áp dụng các chủ trương của Chính phủ.

Tại hội nghị, làm rõ hơn ý kiến đại biểu về xử lý rác thải, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, vấn đề xử lý rác thải Thành phố đang thực hiện rất bài bản. Thành phố đã xây dựng nhà máy đốt rác và đầu tư thêm 4 nhà máy xử lý rác thải, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành 2/4 nhà máy theo kế hoạch. Về xử lý nước thải, theo Chủ tịch Hà Nội, gói thầu xử lý nước thải Yên Xá đã khởi động, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào quý IV-2019. Sau khi đi vào sử dụng, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày đêm, thu gom nước thải địa bàn các quận/huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Đối với xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, năm 2018, thành phố sẽ khởi động tất cả các nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị-Ảnh: Gia Huy

Phấn đấu thành lập trên 50 nghìn doanh nghiệp

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, thực hiện chủ đề của năm 2018, Thành phố dự kiến 1 trong 2 chủ đề: "Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả" và "Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp" nhằm mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp Tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy thành lập doanh nghiệp và đẩy mạnh thu hút, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài.

Nhiệm vụ cụ thể là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Thành phố đặt nhiệm vụ và giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu thành lập trên 50 nghìn doanh nghiệp (bao gồm hộ sản xuất kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp). Tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện và giải ngân các dự án. Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. 

Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp, thu hút đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm xuất khẩu; tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ  đạo, điều hành. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với các Luật và Nghị định mới ban hành và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Gia Huy

Top