Tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp

25/09/2017 5:02 PM

(Chinhphu.vn) - “Tình hình PCCC là vấn đề nóng. Vấn đề này đã phải nói đi, nói lại nhiều lần và còn diễn biến xấu”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh tại cuộc họp giao ban quận, huyện, thị xã quý 3/2017 tổ chức sáng 25/9.

Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại giao ban quý III/2017-Ảnh Gia Huy

Phát biểu tại giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP.Hà Nội với các quận, huyện, thị xã quý III/2017, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh về tình hình PCCC diễn biến phức tạp trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, năm 2015, Hà Nội có 776 vụ cháy, chết 8 người; năm 2016 có 831 vụ cháy, chết 19 người (tăng 11 người) và năm 2017, tính đến thời điểm này, Cảnh sát PCCC vừa báo cáo tăng thêm 2 người chết so với năm 2016.

Nhắc đến vụ việc cháy tại huyện Chương Mỹ làm 2 người chết rạng sáng nay (25/9) và vụ cháy tại Hoài Đức làm 8 người chết trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ sự lo ngại trước con số Hà Nội có gần 500.000 nhà ống, chia lô, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh, dịch vụ, nguy hiểm về cháy, nổ, không bảo đảm lối thoát nạn.

“Chúng ta đã tăng cường quản lý cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra suốt từ năm 2016 đến nay, nhưng tình hình vẫn diễn ra rất nghiêm trọng”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Hà Nội gợi mở một số giải pháp như mỗi hộ dân phải xây dựng cho mình một phương án an toàn về PCCC, mỗi nhà, mỗi cơ sở sản xuất phải có phương án thoát hiểm đề phòng trường hợp xảy ra sự cố xảy ra. Không chỉ vận động người dân mua 2 bình PCCC để trong nhà mà mỗi hộ dân phải biết được nếu nhà mình có cháy thì thoát hiểm bằng cách nào.

Từ đó, Bí thư Thành ủy cũng nhắc nhở, lực lượng PCCC phải tăng cường huấn luyện, đào tạo tốt hơn. Các lực lượng chức năng cần rà soát lại từng hộ dân, cũng như các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, karaoke… Với 60 công trình chưa bảo đảm điều kiện PCCC vẫn chưa xử lý xong, Bí thư Thành ủy yêu cầu xử lý dứt điểm, có kế hoạch, thời gian, trách nhiệm từng người với từng công trình.

Tại cuộc họp, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định cho biết, qua thống kê số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm) và còn xảy ra hàng trăm sự cố, tai nạn rủi ro trong cháy, nổ; sập đổ công trình; trong thiên tai, bão, lũ; tai nạn giao thông, đuối nước, sự cố thang máy nhà cao tầng… phải tổ chức cứu nạn, cứu hộ.

Trong 9 tháng năm 2017, trên địa bàn Thành phố xảy ra 590 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy gây thiệt hại về người, 5 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, 112 vụ cháy trung bình, 446 vụ cháy nhỏ và 20 vụ cháy rừng. Thiệt hại về người là 17 người chết, 8 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính trên 170 tỷ đồng và 55 ha rừng (so với cùng kỳ năm 2016 là giảm 40 vụ cháy; tăng 13 người chết, giảm 5 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng 70 tỷ đồng).

Kiên quyết quản lý theo quy hoạch

Cũng tại hội nghị, liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu vấn đề, hiện nay Hà Nội đã có hệ thống các quy hoạch đã tương đối hoàn thiện. Thành phố đã có quy hoạch 5 khu đô thị vệ tinh và hiện đang làm quy hoạch chi tiết, cùng với 6 quy hoạch được phê duyệt trong thời gian tới thì Hà Nội sẽ hoàn thiện dần công tác quy hoạch và như vậy phải kiên quyết quản lý theo quy hoạch.

Biểu dương và đánh giá quyết tâm của một số quận huyện khi xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, cấp GCN quyền sử dụng đất. Bí thư Thành ủy đánh giá những lĩnh vực trên đã được các cấp ngành quan tâm, nghiêm túc nhìn nhận các tồn tại, rõ địa chỉ chịu trách nhiệm theo đúng tinh thần phải cá thể hóa được các tồn tại.

Bí thư Hà Nội nhấn mạnh: “Hà Nội là đô thị lớn và vẫn đang trong quá trình tăng trưởng, phát triển, đi cùng với quá trình này là sự quá tải về hạ tầng, dân số, vì vậy những tồn tại không giải quyết được sẽ tích lũy và đè lên hệ thống, cũng không thể đùn đẩy trách nhiệm cho các thế hệ sau giải quyết”.

Chính vì vậy, phải tập trung không để tồn tại các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Nếu phát sinh phải xử lý dứt điểm ngay, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, đẩy nhanh giải các hồ sơ còn tồn tại, đặc biệt với 153 vụ việc vi phạm về đất nông nghiệp; 240 vi phạm trật tự xây dựng. Bí thư Thành ủy đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo rõ trách nhiệm từng sở, ngành, địa phương và cần tập trung xử lý dứt điểm và tiếp tục kiểm tra để xử lý vi phạm.

Gia Huy

Top