Tổng doanh thu của các làng nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng

12/04/2018 9:54 AM

(Chinhphu.vn)-Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng doanh thu của 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề của thành phố đã đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Theo Sở Công Thương, trên địa bàn thành phố hiện có 305 làng nghề được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó: 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 20 làng làm nghề nón, mũ lá; 83 làng làm nghề mây tre, giang đan; 23 làng làm nghề chế biến lâm sản; 29 làng làm nghề thêu ren; 25 làng làm nghề dệt may; 9 làng làm nghề da giày, khâu bóng; 13 làng làm nghề cơ kim khí; 15 làng làm nghề chạm điêu khắc; 5 làng làm nghề đan tơ lưới; 53 làng làm nghề chế biến nông sản thực phẩm; 5 làng làm nghề cây sinh vật cảnh và 14 làng thuộc ngành nghề khác (gốm sứ, làm đàn, dát quỳ vàng bạc...).

Tổng doanh thu của 305 làng nghề truyền thống và các làng có nghề đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề truyền thống phổ biến ở mức từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, công nhận làng nghề, nghệ nhân, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển thương hiệu cho 10 làng nghề trình UBND thành phố. Kết quả, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội năm 2017 cho 10 làng nghề thuộc các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm.

Sở cũng đã triển khai đề xuất xét công nhận làng nghề Hà Nội năm 2017 cho 3 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên và Mê Linh; triển khai việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ năm 2017 cho 42 cá nhân trình UBND thành phố phê duyệt; triển khai xét chọn và đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân ngành thủ công mỹ nghệ cho 5 cá nhân, phong tăng Nghệ nhân Nhân dân và 17 cá nhân ưu tú, trình UBND thành phố phê duyệt; đề nghị chọn 31 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2017.

Sở Công Thương cho biết, về kế hoạch phát triển nghề và làng nghề của thành phố năm 2018, cùng với xây dựng chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ..., các sở, ngành thành phố chú trọng cho công tác đào tạo nghề.

Cụ thể như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hớp với Ban chỉ đạo 1956 cấp huyện hướng dẫn các phòng chuyên môn cấp huyện và các cơ sở dạy nghề triển khai công tác đào tạo nghề cho 24.000 người (nghề nông nghiệp 13.265 người, nghề phi nông nghiệp 10.735 người).

Tương tự, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 2.000 lao động của các làng nghề, làng có nghề trên địa bàn; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn cho 4 loại hình (hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm; phát triển nghề chế biến lâm sản; phát triển nghề chẻ tăm hương; phát triển nghề chế biến nông sản thực phẩm).

Liên minh Hợp tác xã thành phố phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ tổ chức 6 lớp cấy nghề, truyền nghề mộc dân dụng, mây tre đan cho các hợp tác xã trên địa bàn; hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề...

Ngoài hỗ trợ vốn, chính sách thuế, bảo vệ môi trường làng nghề, xúc tiến thương mại, các sở, ngành thành phố tiếp tục khai thác, sử dụng kết quả sản phẩm thiết kế bộ sản phẩm xây dựng nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch; lập kế hoạch tổ chức các đoàn Fam khảo sát, xây dựng các tour du lịch làng nghề phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của các làng nghề trên địa bàn thành phố...

Vĩnh Hoàng

Top