Tránh ‘bão rớt giá’ từ kinh nghiệm chăn nuôi khép kín

18/10/2017 3:27 PM

(Chinhphu.vn)-Trong khi chăn nuôi lợn vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi gần như mất trắng không thu lại được nguồn vốn, thì Hợp tác xã Hoàng Long vẫn phát triển chăn nuôi ổn định nhờ chuỗi chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học và bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu giết mổ đến tiêu thụ.

Chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo chuỗi khép kín ở HTX Hoàng Long-Ảnh Minh Nhung

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long cho biết, để có thể đứng vững trước thay đổi của thị trường như hiện nay, Hợp tác xã Hoàng Long đã xây dựng hướng phát triển từ nhiều năm trước và qua thực tế đã chứng minh hướng đi của Hợp tác xã là hoàn toàn đúng đắn.

Bắt đầu từ năm 2010 với 10 thành viên, Hợp tác xã Hoàng Long đã góp đất, tiền của, công sức xây dựng trại chăn nuôi lợn. Đến nay, đã có quy mô 650 nái, 6.000 lợn thịt/lứa, một cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, với diện tích 5 ha. Trong đó 2 ha là khu chăn nuôi, giết mổ, 3 ha là xử lý chất thải và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời Hợp tác xã đã tạo việc làm ổn định cho hơn 40 lao động thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2012 giá lợn giảm sâu, sau khi phát hiện một số trại chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy sức mua giảm, chăn nuôi lợn gặp khó khăn nhưng chính điều đó đã khẳng định việc Hợp tác xã tìm và thử nghiệm men vi sinh nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn chọn người sử dụng là đúng hướng. Đặc biệt, điều đó càng được củng cố khi Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội động viên và hướng cho Hoàng Long tiếp tục thử nghiệm, nghiên cứu phát triển thành chuỗi thực phẩm (từ trang trại đến bàn ăn).

Trải qua 4 năm thử nghiệm, Hợp tác xã đã chọn được một loại men, công thức phối trộn, ủ phù hợp, tạo ra chất lượng thịt thơm, ngon, nước luộc trong, ăn mỡ ròn, ít ngấy, an toàn cho người sử dụng.

Năm 2015, Hợp tác xã đã xây nhà giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm, có cơ sở vật chất đồng bộ, trang thiết bị tiên tiến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp đó, đến 2016, Hợp tác xã xây dựng khu xử lý chất thải chăn nuôi, giết mổ ở ngoài khu chăn nuôi, cùng hệ thống hộp hút và thông gió. Vì vậy môi trường chăn nuôi, giết mổ được bảo đảm trong lành.

Đến đầu năm nay, sản phẩm của Hợp tác xã lần đầu tiên được phân phối trên thị trường. Hoàng Long đã xây dựng được chuỗi thực phẩm hoàn chỉnh có nhãn hiệu A-Z. A-Z là chuỗi khép kín từ sản xuất con giống-thức ăn chăn nuôi-chăn nuôi-giết mổ-sơ chế-chế biến-bảo quản-vận chuyển-phân phối. Theo đó, sản phẩm của Hợp tác xã Hoàng Long cung cấp ra thị trường là sản phẩm có chất lượng cao, sạch, an toàn cho người sử dụng.

Để bảo đảm cho quy trình chăn nuôi cũng như giết mổ, Hợp tác xã đã tuyển tổ công nhân kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến lành nghề, xuất thân từ các làng nghề giò chả xã Tân Ước. Đồng thời thực hiện quy trình chăn nuôi VietGAP, an toàn sinh học, cơ sở giết mổ sơ chế chế biến đủ điều kiện.

Nhờ quy trình chăn nuôi khép kín và bảo đảm an toàn thực phẩm nên từ cuối năm 2016 đến nay, mặc dù giá thịt lợn hơi trên thị trường giảm mạnh, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng Hợp tác xã Hoàng Long vẫn bảo đảm chăn nuôi ổn định và từng bước phát triển. Mặc dù sản lượng giết mổ và tiêu thụ trực tiếp của Hợp tác xã mới đạt 25-30% công suất nhưng đã giúp cho Hợp tác xã giảm được thiết hại đáng kể.

Tính tới thời điểm hiện tại, số đầu lợn tại trại luôn giữ mức ổn định là trên 4.000 con. Hoàn thiện được một cơ sở giết mổ công suất 50 con/ngày nhưng chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y. 100% sản phẩm đã được sơ chế, chế biến đóng gói mang nhãn hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z” bán ra thị trường, cung cấp cho thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn/ngày và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.

Kinh nghiệm tổ chức chăn nuôi

Để bước qua được giai đoạn khủng hoảng về giá như hiện nay, ông Nguyễn Trọng Long cho biết, để thực hiện thành công việc tổ chức chăn nuôi theo chuỗi khép kín, theo quan điểm của Hợp tác xã Hoàng Long, thì hộ hay hợp tác xã chăn nuôi cần tập trung đối với khâu sản xuất chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi sản xuất giống phải đồng bộ, có kế hoạch sản xuất cụ thể (về số lượng sản xuất bảo đảm và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ). Muốn được vậy phải chủ động chăn nuôi theo tháp giống.

Đối với khâu giết mổ, sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm, cần có cơ sở giết mổ, sơ chế bảo đảm an toàn thực phẩm; cán bộ, công nhân phục vụ chế biến phải được đào tạo một cách bài bản, để bảo đảm chế biến các sản phẩm có chất lượng, chế biến đa dạng sản phẩm.

Trong khâu tiêu thụ, sản phẩm khi đưa ra thị trường phải được đóng gói và sử dụng tem nhãn đúng quy định. Có hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị phân phối sản phẩm để chủ động trong khâu sản xuất. Có đội ngũ cán bộ làm thị trường một cách bài bản, chuyên nghiệp, sản phẩm đưa ra thị trường bảo đảm cam kết đúng với chất lượng sản xuất, thương hiệu của chuỗi.

Trong thời gian tới, Hợp tác xã Hoàng Long sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chọn lọc thay thế đàn lợn nái chất lượng kém, nâng năng suất sinh sản đàn lợn nái đạt từ 24-26 lợn con cai sữa/nái/năm.

Chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, Hợp tác xã phấn đấu đến năm 2018 giảm 90% thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; tự sản xuất và sử dụng 90% thức ăn vi sinh (đối với lợn thịt sử dụng 100% thức ăn vi sinh tự phối trộn); đồng thời khai thác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trực tiếp thông qua hệ thống phân phối theo chuỗi thực phẩm A-Z, phấn đấu cuối năm 2017 sản lượng tiêu thụ đạt 80-90% sản phẩm sản xuất ra tại Hợp tác xã.

Minh Nhung

Top