Trưng bày kỷ niệm 710 năm ngày đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn

07/12/2018 4:22 PM

(Chinhphu.vn) - Với gần 100 tư liệu , hình ảnh và hiện vật khảo cổ, không gian trưng bày tái hiện một cách chân thực về cuộc đời của Đức vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng như các giá trị văn hóa đặc sắc của thời nhà Trần.

Trưa nay (7/12), nhân dịp kỷ niệm 710 năm ngày mất Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh tổ chức giới thiệu không gian trưng bày:  “Từ Hoàng cung triều Trần đến Thánh địa Trúc Lâm - Hành trình từ bậc quân vương đến đức Phật Hoàng”.

Không gian trưng bày được chia thành 3 gian với 3 nội dung: Quê hương nhà Trần, Kinh đô Thăng Long dưới triều đại Trần và Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Gian thứ nhất - Quê hương nhà Trần trưng bày các hình ảnh, hiện vật về vùng đất An Sinh (ngày nay được gọi là Đông Triều). Nơi đây là quê gốc của nhà Trần, đồng thời là một trong những trung tâm văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của nước Đại Việt.
Tại đây, các vua Trần cho xây dựng nhiều lăng tẩm, đền, miếu…và nhiều công trình kiến trúc tôn giáo.
Gian trưng bày thứ 2 - Kinh đô Thăng Long dưới triều đại Trần, khắc họa những nét đặc trưng trong kiến trúc, thủ công, mỹ nghệ… của thời Trần. Giai đoạn này, chùa chiền được xây dựng nhiều trong hoàng cung, các công trình được trang trí tinh xảo, thể hiện tính vương quyền hòa quyện với triết lý Phật giáo.
Nền móng kiến trúc thời Trần (Ảnh tư liệu tại gian trưng bày).
Gian trưng bày cuối cùng - Phật Hoàng Trần Nhân Tông chủ yếu xoay quanh cuộc đời tu hành của đức Vua với các tư liệu, hình ảnh và hiện vật trưng bày mang màu sắc Phật giáo. Năm 1299, khi con trai là vua Trần Anh Tông đã tự gánh vác được việc nước, Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên đường tới núi Yên Tử, xuất gia tu hành.
Năm 1301, ngài xuống núi đi giáo hóa chúng sinh, khuyên nhân dân loại bỏ tà đạo, đến năm 1307 thì lên tu tại am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ. Tháng 11 năm 1308, Trúc Lâm Đại Sĩ an nhiên hóa Phật tại Am Ngọa Vân, các đệ tử hỏa thiêu ngài, thu xá lị.

Hiếu Nguyễn

Top