Từ vụ nổ tại Hà Đông: Nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ cho người dân

20/03/2016 4:30 PM

(Chinhphu.vn) – Vụ nổ lớn đã xảy ra tại KĐT Văn Phú, Hà Đông vào chiều 19/3 ngay trong ngày đầu tiên TP. Hà Nội phát động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2016” khiến việc tăng cường quản lý vật liệu nổ và tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và tăng cường ý thức phòng chống cháy nổ cho người dân càng trở nên cấp thiết.

* Kết luận ban đầu vụ nổ ở Hà Đông: Thu được nhiều vật liệu dạng bom

* Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ nổ tại Hà Đông

* Cấp cứu kịp thời nạn nhân trong vụ nổ tại Hà Đông

* Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tại hiện trường, thăm nạn nhân trong vụ nổ tại Hà Đông

* Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ tại Hà Đông

* Công an HN thông tin vụ nổ tại KĐT Văn Phú, Hà Đông

Nhà người dân bị phá hủy nặng nề sau vụ nổ tại Hà Đông. Ảnh: Gia Huy

Vụ nổ kinh hoàng tại Văn Phú, Hà Đông xảy ra chiều hôm qua (19/3) gây nhiều thiệt hại về người và của đã được cơ quan chức năng xác định loại thuốc nổ thu được ở hiện trường trùng khớp với loại thường sử dụng chế tạo bom. Các mảnh vỡ bằng gang, kim loại bắn văng tại hiện trường cũng là vật liệu chế tạo bom.

Sự việc xảy ra khiến chúng ta đặt câu hỏi, việc kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ, quản lý các vật liệu nổ được thực hiện như thế nào bởi không ít vụ việc liên quan đến an toàn phòng chống cháy nổ đã xảy ra gây hậu nghiêm trọng và hết sức đau lòng.

Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ đã quy định các hành vi nghiêm cấm khi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về mất cắp, thất thoát, tai nạn, sự cố về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 cũng quy định mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi không kê khai và đăng ký đầu đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền hoặc hành vi huỷ hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Hàng năm, TP. Hà Nội đều có những văn bản, chỉ đạo để “siết chặt” hoạt động sử dụng vũ khí, vật liệu cháy nổ trên địa bàn. Công an Thành phố được giao trách nhiệm kiểm tra, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và các cá nhân, các địa điểm công cộng, tuyến giao thông.

Còn Bộ Tư lệnh Thủ đô có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp kiểm tra, rà soát, có biện pháp quản lý chặt chẽ các loai vũ khí, vật liệu nổ, trang thiết bị quân dụng được giao và của các cơ quan, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn.

Từ những văn bản chỉ đạo của Trung ương và sự thực hiện của địa phương, báo cáo của TP. Hà Nội tại lễ phát động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ năm 2016” cho thấy, năm 2015, Hà Nội không để thất thoát vật liệu nổ ra ngoài xã nội, Thành phố đã làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác quản lý các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm, vật liệu nổ công nghiệp…

Tình hình tai nạn lao động năm 2015 trên địa bàn Hà Nội giảm 3 vụ, số vụ tai nạn lao động chết người giảm 4 vụ, số người chết giảm 2 người. Về cháy nổ năm 2015: giảm 7 vụ, giảm 10 người chết và thiệt hại tài sản giảm hàng trăm tỷ đồng so với năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đạt được, Thủ đô Hà Nội vẫn là một trong 10 địa phương có số vụ tai nạn lao động và cháy nổ cao nhất cả nước. Thống kê chưa đầy đủ, năm 2015, toàn thành phố đã xảy ra 129 vụ tai nạn lao động, trong đó 29 vụ nghiêm trọng làm chết 32 người; 159 vụ cháy nổ làm chết 8 người, bị thương 29 người; thiệt hại về tài sản ước trên 40 tỷ đồng. Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động, cháy nổ chủ yếu là do người sử dụng lao động và người lao động vi phạm tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn lao động; chập điện…

Và từ vụ nổ vừa xảy ra tại Văn Phú, Hà Đông cũng đặt ra cho các cơ quan chức năng của Thủ đô việc cần tăng cường quản lý vật liệu nổ, đặc biệt là vật liệu nổ trôi nổi trên thị trường, được mua bán tự do, trái phép.

Bên cạnh đó, việc rất cần là tăng cường hơn nữa nâng cao ý thức của người dân trong tuân thủ những nội quy, quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ. Đồng thời cảnh giác, phát hiện những nguy cơ gây cháy nổ để kịp thời thông báo đến cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm để có biện pháp loại trừ và phòng ngừa tai nạn cháy nổ.

Việc thường xuyên tổ chức các đợt vận động dân nhân tự giác thu hồi, giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, súng săn, súng tự chế, vũ khí thô sơ; kiểm tra, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không rõ nguồn gốc… cũng là một trong những giải pháp để “siết chặt” quản lý vật liệu cháy nổ trên địa bàn.

Gia Huy

Top