Từ ý thức tiêu dùng đến bảo vệ môi trường

12/04/2019 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Xếp hàng đúng nơi quy định, không chen lấn xô đẩy hay giành giật, xả rác bừa bãi theo kiểu “bạ đâu vứt đấy”… Điều này có lẽ hầu hết mọi người đều có thể thực hiện được, đó không chỉ là hành động, việc làm đẹp, cần thiết mà còn là biểu hiện của văn hóa ứng xử , nếp sống văn minh vì tập thể, cộng đồng. Đồng thời nó cũng phản ánh phần nào về tư duy, thái độ, trách nhiệm sống nghiêm túc đối với mỗi cá nhân.

* Dùng lá chuối thay túi nilon: Doanh nghiệp, người dân hưởng ứng

Từ việc gói rau, củ… bằng lá chuối thay thế túi nylon, người dân cần phải nâng cao ý thức trong việc xả rác, bảo vệ môi trường.  Ảnh: Thiện Tâm

Những ngày qua, trên một số hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện hình ảnh sản phẩm rau củ quả được bọc bằng lá chuối thay vì dùng túi nylon như thói quen lâu nay. Cách thức này được ứng dụng xuất phát từ tư duy, xây dựng xu hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, giảm tải rác thải nhựa không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe, ý tưởng gói rau củ bằng lá chuối đã tạo sức hút sâu rộng, nhanh chóng lan tỏa cộng đồng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng. Bên cạnh đó ý thức vứt rác đúng nơi quy định, đổ rác đúng giờ, đúng chỗ giữ gìn bảo vệ môi trường xung quanh, đặc biệt với thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng “Thử thách dọn rác”, “Xắn tay dọn rác” cũng đang gây sốt “làm mưa làm gió trên mạng xã hội ở Việt Nam và lan tỏa sâu rộng khắp mọi nơi.

Theo đó, những phương pháp và trào lưu ý nghĩa thiết thực này góp phần định hướng phong cách tiêu dùng, lối sống vì lợi ích tập thể cho mọi người dân ngày càng văn minh hiện đại hơn.

Chính vì vậy, từ sự thay đổi nhỏ của thói quen tiêu dùng sẽ lan tỏa cho những hành vi, xu hướng ứng xử văn hóa trong cộng đồng. Nói đến văn hóa xếp hàng, đơn giản đó chỉ là cách giữ trật tự theo hàng lối có người đứng trước, kẻ đến sau, ai đến trước đứng trước, ai đến sau thì đứng sau theo tuần tự. Nghe qua tưởng như đơn giản, chuyện nhỏ nhặt thôi nhưng trên thực tế thì không dễ thực hiện như mọi người vẫn thường nghĩ. Nhìn sang nước Nhật Bản, đã từ lâu thế giới đều ngưỡng mộ và tôn trọng tính cách và cuộc sống của họ, dù trải qua những cơn khủng hoảng cận kề cái chết họ vẫn bình tĩnh trật tự xếp hàng chờ  đến lượt được phát đồ cứu trợ. Những cổ động viên Nhật Bản tại World Cup 2018 đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp, khi cùng nhau nán lại sau trận đấu tự nguyện dọn rác cẩn thận cho vào bao tải, túi đựng một cách trách nhiệm và nhiệt thành mặc dù đội bóng của họ thua cuộc. Thế mới thấy văn hóa cộng đồng, hành vi ứng xử quan trọng nhường nào.

Bày tỏ quan điểm của mình trong văn hóa tiêu dùng đối với bảo vệ môi trường của người dân, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài nguyên môi trường chia sẻ, xếp hàng chờ đến lượt vốn là điều tất nhiên trong một xã hội văn minh. Thế nhưng tại nhiều nơi, bên cạnh những người có ý thức xếp hàng thì vẫn xuất hiện cảnh chen lấn, xô đẩy nhau, tranh cướp đồ khuyến mại, giảm giá… khiến nhiều người bức xúc, đó là cách hành xử kém văn hóa, hành vi xấu xí nơi công cộng.

Đồng thời ý thức về xử lý với rác thải của nhiều người dân còn rất kém. Rác thải vứt bừa bãi mọi nơi, đáng ngại nhất là vứt ra nơi công cộng, ao, hồ… nên đã gây mất mỹ quan, ảnh hưởng sức khỏe người dân, là nguy cơ gây nên các loại dịch bệnh.

Cũng theo GS. Đặng Huy Huỳnh, để khắc phục những tồn tại nhằm xây dựng nếp sống hiện đại văn hóa, nâng cao ý thức cộng đồng thì trách nhiệm không của riêng ai mà là sự chung tay của mọi người dân và toàn xã hội. Chú trọng giáo dục đào tạo ngay từ thế hệ mầm non đến các trường phổ thông về văn hóa xếp hàng khi đi mua sắm, đi đến nơi vui chơi giải trí. Phải luôn có ý thức tôn trọng cộng đồng. Người lớn, người có trách nhiệm phải gương mẫu cho con trẻ. Thẳng thắn không ngại phê phán, tạo dư luận phản đối các hành vi thiếu văn hóa, áp dụng chế tài nghiêm minh. Tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, triển khai các dự án, xây dựng các nhà máy tái chế rác thải… Đồng thời huy động các hoạt động xã hội vì cộng đồng tình nguyện trong thu gom rác. Phát huy các sáng kiến cải thiện môi trường, sử dụng các nguyên liệu thay thế chất gây hại môi trường.

Dần nâng cao ý thức

Hiện nay nhiều hệ thống siêu thị đã triển khai bọc rau, củ bằng túi nilon để nâng cao ý thức và thân thiện với môi trường. Ảnh: Thiện Tâm

Ghi nhận của chúng tôi với một số người dân về vấn đề này đa phần họ đều mong muốn văn hóa tiêu dùng trở thành nét đẹp, chuẩn mực đạo đức xã hội trong đời sống hiện đại. Chị Thu Mỵ (Dương Nội – Hà Đông) tỏ ra hào hứng cho rằng, người tiêu dùng không những thông thái trong việc chọn lựa mua sắm sản phẩm mà cần văn minh trong phong cách tiêu dùng và ứng xử nơi công cộng. Mỗi cá nhân có ý thức sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển hơn, bản thân tôi nhận thấy xếp hàng khi mua đồ trong siêu thị, mua vé xem phim tại rạp, không chen lấn xô đẩy, ồn ào… tuy là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Ai cũng nghĩ rằng “tôi không chen lên người khác sẽ chen vào đó thôi”, tâm lý vị kỷ cộng với nhận thức yếu kém về lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân cần phải loại bỏ trong thế giới văn minh. Chúng ta hãy thể hiện lối sống lành mạnh, hành xử văn hóa, tạo dựng môi trướng sống nhân văn hơn. Cần coi trọng từ những việc nhỏ nhặt nhất để dần hình thành nhân cách lớn. Chị Mỵ bày tỏ thêm.

Anh Lê Minh Thụ (phường Đại Kim – Hoàng Mai) chia sẻ, khi tôi và gia đình ghé qua siêu thị và tại quầy rau củ quả tôi rất bất ngờ khi những mớ rau được khoác lên “diện mạo mới”. Mặc dù đối với anh việc dùng lá chuối bọc rau củ không xa lạ tại các phiên chợ vùng quê nhưng ở thành phố thì còn mới mẻ. Phải nói rằng nhìn hình ảnh này tôi tự nhiên cảm thấy thân thiện và yên tâm hơn, đặc biệt mang lại cảm giác an toàn, sạch sẽ, hướng đến bảo vệ môi trường vì thay thế nilon. Như một cách bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.  từ việc  thay đổi thói quen mua sắm , sử dụng sản phẩm  theo hướng thân thiện  vô hình chung sẽ kéo theo hàng loạt yếu tố tích cực khác trong đó phải kể đến vấn đề xả rác không đúng nơi quy định, tình trạng vứt rác lung tung,  bừa bãi … Diện mạo  mới không chỉ là bề nổi mà thực chất từ bên trong phải mạnh dạn thay đổi  ngay những việc làm nhỏ nhất để chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, phát triển hơn.

Những hành xử chưa đẹp của người Việt, như: Thói chen lấn, lãng phí, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, nói to, ồn ào chỗ công cộng, hay trễ giờ... “Người Việt Nam đi đâu cũng chen lấn, từ tham gia giao thông hay dự chỗ này chỗ kia đều chen lấn”. Trong xã hội ngày càng phát triển, nhiều hành vi, thói quen xấu đang có xu hướng lan rộng nhưng không phải bản chất của dân tộc Việt Nam mà có lẽ hình thành do chúng ta không chú ý đúng mức tới văn hóa xã hội khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Hội nhập và phát triển cùng đất nước với khẩu hiệu “phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…”

Minh Nhung

Top