Từng bước đưa quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây vào nền nếp

23/07/2018 10:45 AM

(Chinhphu.vn) - Nhằm đưa hoạt động kinh doanh mặt hàng trái cây vào nền nếp, cùng với việc triển khai nhân rộng mô hình cửa hàng trái cây an toàn, Hà Nội cần kiểm soát chặt chẽ, không để kinh doanh, buôn bán trái cây một cách tràn lan, có chế tài xử phạt nghiêm minh, từng bước đưa việc quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây vào nền nếp.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện diện tích cây ăn quả trên địa bàn Thành phố là 15.726 ha, chủ yếu tập trung ở 2 vùng chính: Đồi gò và bãi ven sông của huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh và thị xã Sơn Tây... Sản lượng mỗi năm đạt khoảng 230.000 tấn. Số này chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài.

Tuy nhiên, số lượng các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn không nhiều, chủ yếu là cơ sở kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường… gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, nguồn cung cấp trái cây tại các chợ dân sinh chủ yếu mua từ chợ đầu mối hoặc thu mua trực tiếp của người trồng trọt. Do đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc trái cây tiêu thụ tại chợ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó còn tồn tại một số loại hình trái cây bán trên vỉa hè, lòng đường,... không có điều kiện bảo quản theo quy chuẩn nên các loại trái cây này chủ yếu sử dụng hóa chất cấm nhằm duy trì độ tươi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng vẫn có thói quen “tiện đâu mua đó”, chưa quan tâm tới nguồn gốc các loại trái cây... Ông Lê Trung Kiên, Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra thực tế ở các cửa hàng kinh doanh trái cây cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, một số hộ kinh doanh trái cây tại các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc nên các cửa hàng kinh doanh khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc.

Nâng cao ý thức kinh doanh trái cây an toàn

Để quản lý việc kinh doanh trái cây ở các cửa hàng trên địa bàn Thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, tăng cường kiểm tra, giám sát lấy mẫu các loại trái cây nhằm phục vụ việc phát hiện vi phạm, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, từng bước đưa việc quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây vào nền nếp.

 

Tới đây, các sở, ngành sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến tới 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại các quận để nắm rõ chủ trương của Thành phố.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối nhà phân phối, cơ sở kinh doanh Hà Nội với người sản xuất ở các tỉnh, thành phố có thế mạnh về trái cây đặc trưng, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng để đưa về tiêu thụ tại Thủ đô.

Ngoài ra, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối trái cây sạch trong xây dựng và quảng bá thương hiệu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ trái cây bằng các thiết bị di động.

Bên cạnh đó, các quận cần rà soát quỹ đất trống, nhất là tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh theo đúng quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Các cửa hàng cần được bố trí ở địa điểm không bị ngập nước, đọng nước, không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ những khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.

Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh ở những cửa hàng trái cây trên địa bàn. Theo đó, trái cây kinh doanh tại cửa hàng phải bảo đảm rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Đối với trái cây đã sơ chế, đóng gói, phải bảo đảm rõ thông tin về cơ sở sơ chế, đặc biệt là các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, giám sát, các ngành chức năng cần tuyên truyền để người kinh doanh nâng cao ý thức trong việc mua trái cây ở những địa điểm uy tín, có dán tem trên bao bì sản phẩm để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.

Diệu Anh

Top