Ứng phó với dịch nCoV: Doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh

10/02/2020 11:31 AM

(Chinhphu.vn) – Trước đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới corona (nCoV) gây ra, nhiều doanh nghiệp Thủ đô đã chủ động có các phương án đối phó để vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn cho sức khỏe nhân viên.

Thay đổi mẫu mã, chiến lược kinh doanh để ứng phó với dịch nCoV. Ảnh: Diệu Anh

Chủ động phòng dịch

Cùng với các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp những ngày qua đã chủ động mua sắm thiết bị, triển khai các biện pháp phòng chống nguy cơ dịch lây lan. Ý thức được sự nguy hiểm của dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh cũng như tuyên truyền tới người lao động các cách phòng tránh tại nơi làm việc và tại gia đình.

Công ty Yamaha Motor Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội), trong ngày đầu tiên làm việc trở lại đã sử dụng máy đo thân nhiệt để kiểm tra sàng lọc nhiệt độ cơ thể cho công nhân, khách ngay tại cổng ra vào của công ty. Tất cả, công nhân, khách ra vào các khu của công ty Yamaha Motor Việt Nam đều phải kiểm tra sàng lọc thân nhiệt. 

Các nhân viên gác cổng tại Công ty Yamaha Motor Việt Nam cho biết, khách đến công ty, khi đi qua cổng sẽ phải qua khâu kiểm tra thân nhiệt bằng máy đo cầm tay nhỏ gọn do chính nhân viên gác cổng thực hiện. Ngoài máy đo nhiệt độ cơ thể nhỏ gọn, nhân viên gác cổng cũng được trang bị thêm các tờ thông tin về biểu hiện, diễn biến và cách phòng tránh dịch viêm phổi Corona.

Cùng với việc truyền thông bằng phát tờ rơi, một số công ty còn gửi đi các thông báo qua tin nhắn, thư điện tử để mỗi công nhân có thể chủ động kiểm soát về mặt thân nhiệt và phòng ngừa bệnh.

Anh Phan Thanh Hải, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Meiko Việt Nam, Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội cho biết, ngoài những đồ bảo hộ và khẩu trang đã phát cho người lao động, trước tình hình dịch bệnh Virut Corona, Công ty đã trang bị tăng thêm số lượng khẩu trang cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời tìm nhiều nguồn nhà cung cấp dung dịch rửa tay khô đang được sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện, trang bị ở các cửa ra vào nhà máy. Để khi mọi người đi vào trong xưởng làm việc thì rửa tay nhanh để hạn chế những việc bệnh dịch từ ngoài vào nhà xưởng.

Đại diện một doanh nghiệp về sản xuất gỗ trên địa bàn Hà Nội cho biết, với đặc thù là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng do vậy việc chủ động phòng ngừa là hết sức cần thiết để bảo đảm an toàn cho người lao động và ngăn ngừa dịch bệnh có thể lây lan khi xuất hiện.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đặc biệt chú ý đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh lây nhiễm tại các bếp ăn tập thể...

Thay đổi chiến lược kinh doanh

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, một số đơn hàng của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng do một số cửa khẩu giao thương với Trung Quốc tạm đóng cửa nên chưa thể xuất khẩu được hàng sang cho đối tác. Để giảm thiểu được những tổn thất cho đơn hàng, một số doanh nghiệp cũng đang làm việc lại với bên đối tác để nhập hàng trước về bảo quản trong kho, đồng thời lùi ngày giao hàng lại cho đến khi các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mở cửa trở lại.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho hay, đơn vị cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân trong phạm vi có thể; đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu. Đơn vị này cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để lên chương trình, bố trí ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tối đa tiêu thụ cho bà con.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà ngay cả doanh nghiệp FDI cũng đang căng mình ứng phó với nguy cơ của dịch bệnh nguy hiểm này. Đơn cử Nhà máy của Samsung Việt Nam triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch viêm phổi cấp do nCoV, doanh nghiệp đã triển khai kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng nhà máy. Ngoài ra, công ty cũng đề nghị nhân viên đeo khẩu trang đi làm và trong suốt quá trình làm việc, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và liên tục tuyên truyền về các biện pháp phòng chống nCoV.

Chia sẻ về ảnh hưởng của dịch tới việc kinh doanh khi mà phần lớn linh phụ kiện nhập từ các nhà sản xuất Trung Quốc, đại diện một doanh nghiệp FDI cho biết, hằng tuần công ty liên tục có báo cáo về tiến độ của nhà cung cấp, khả năng cung cấp, tình trạng làm việc… Đặc biệt, có kế hoạch chuyển hướng sang một số nước cung ứng khác ngoài Trung Quốc. Về tiêu thụ sản phẩm, cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hiện doanh nghiệp này đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm. Thay những sản phẩm bằng bao bì nilon thành những chiếc túi giấy và được người tiêu dùng trong nước khá ưa chuộng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho ra mắt app bán hàng, khách hàng chỉ cần thao tác trên smart phone để lựa chọn sản phẩm.

Chia sẻ những lo ngại của các hiệp hội, doanh nghiệp ngành hàng nhất là thủ tục thông quan đóng các cửa khẩu, nguồn cung bị thiếu hụt, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: “Mặc dù cửa khẩu Hữu Nghị mở từ ngày 3/2, nhưng do việc kiểm dịch nên việc thông quan hàng hóa chưa được nhiều. Bên cạnh đó, còn xuất hiện tâm lý e ngại của lái xe khi phải cách ly 14 ngày sau khi vận chuyển hàng qua cửa khẩu”. Về việc này, Bộ Công Thương đã có trao đổi với Bộ Y tế để một mặt quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch, nhưng mặt khác các biện pháp cần triển khai đúng mức cần thiết, không gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Diệu Anh

Top