Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

14/05/2019 5:28 PM

(Chinhphu.vn) - Phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Nếu thiếu yếu tố văn hóa doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.

Ảnh minh họa

Sáng 14/5, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức buổi Giao lưu - tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển sự bền vững của doanh nghiệp”.

Phát biểu khai mạc tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết, trong lễ công bố “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân. Văn hóa doanh nghiệp có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh quốc gia; là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để hòa nhập, hội nhập khu vực và thế giới.

Văn hóa doanh nghiệp là tất cả những hành vi sản phẩm những giá trị có tính chân - thiện - mỹ của doanh nghiệp được hình thành trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Nó cũng chính là bản sắc, phong cách riêng, là nguồn sức mạnh mềm và là nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nó là bản sắc, kinh doanh là nguồn sức mạnh mềm và là nền tảng cho sự phát triển cả doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân cho rằng, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi văn hóa quản lý nhà nước. Thực tế, nếu văn hóa quản lý lành mạnh thì văn hóa doanh nghiệp cũng lành mạnh và ngày một tốt hơn. Trường hợp của Khải Silk là một ví dụ. Nếu cơ quan quản lý nhà nước làm tốt công tác giám sát doanh nghiệp thì đã ngăn chặn ngay từ đầu những vấn đề của Khải Silk.

Thực tế, tình trạng “bôi trơn” hiện nay vẫn phổ biến trong tâm lý của không ít doanh nghiệp. Điều này đến từ việc doanh nghiệp nào cũng muốn chen ngang lấy lợi ích. Chính vì vậy, trong văn hóa doanh nghiệp cần chú ý đến chuẩn mực văn hóa quản lý nhà nước để xóa bỏ lợi ích nhóm và hỗ trợ tốt hơn cho văn hóa doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh trao đổi thêm, hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp bất chấp việc vi phạm văn hóa và đạo đức cũng như vi phạm pháp luật nhằm đạt được lợi nhuận trong việc kinh doanh, cũng có nhiều doanh nghiệp xây dựng và phát triển kinh doanh một cách bền vững nhờ đẩy mạnh sử dụng bộ tiêu chí văn hóa ứng xử và đạo đức.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm ngăn chặn hàng giả, và những hành động vi phạm pháp luật từ một số các doanh nghiệp hiện này cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, cần phát động và phát triển cuộc vận động của Thủ tướng trong vấn đề tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp có thể tạo ra thể chế, giúp doanh nghiệp phát triển văn hóa của mình, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Qua trải nghiệm thực tế quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng nhìn nhận rằng, bất kể doanh nghiệp nào cũng cần hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố “nhân hòa”. Do đó, yêu cầu mỗi người trong doanh nghiệp đó phải có văn hóa, muốn thành đạt thì phải trở lên tốt hơn. Văn hóa doanh nghiệp cải thiện nhân hòa, mỗi người trong doanh nghiệp hoàn thiện bổn phận của mình, tất cả hệ thống tốt mới tạo ra văn hóa của doanh nghiệp.

Đến lúc phải nhìn nhận văn hóa là mục đích của sự phát triển, vừa là động lực, vừa là mục tiêu, tùy trường hợp cụ thể. Phát triển bền vững, phát triển là tăng trưởng, bản chất doanh nghiệp sinh ra là để kiếm lợi nhuận để phát triển, muốn phát triển bền vững thì bắt buộc phải có văn hóa.

Văn hóa biết mình biết người cũng là một văn hóa, để phát triển bền vững thì chúng ta vừa phát triển hợp lý cần khôn ngoan, cần đào tạo, văn hóa không thể tự có, cần chọn giáo trình, nhận thức về mình sau đó sửa sai.

Các doanh nghiệp cần biết mình đứng đâu, làm gì, nhận thức lại mình, lợi thế tiềm năng của mình. Tất cả các DN phú quý sinh lễ nghĩa, bắt buộc phải thành đạt để có nhiều nguồn lực tài chính để làm nhiều việc, tầm vai trò, phông văn hóa của doanh nghiệp đó rất quan trọng.

Diệu Anh

Top