Việc xử lý sai phạm ở Công viên nước Thanh Hà là đúng trình tự pháp luật

11/02/2020 5:10 PM

(Chinhphu.vn) - Sau nhiều lần đôn đốc nhưng chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà (quận Hà Đông) không tự giác tháo dỡ, do đó, quận đã giao UBND phường Phú Lương cưỡng chế, tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm. Quá trình xử lý đúng trình tự quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông thông tin đến báo chí. Ảnh: Thùy Linh

Đây là thông tin được ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông khẳng định với báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều nay (11/2).

Thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, trong năm 2019, trong số 23 chỉ tiêu được giao, quận có 15 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 8 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 5.761,3 tỷ đồng, đạt 137,8% so với dự toán giao, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách toàn quận là trên 2.549 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư là trên 826,8 tỷ đồng; chi thường xuyên là trên 1.100 tỷ đồng;...

Đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, UBND quận đã chỉ đạo đội Quản lý trật tự xây dựng, UBND các phường tiến hành kiểm tra, thiết lập hồ sơ xử lý 35 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo quy định, 3 công trình đang trong quá trình xử lý. Cùng với đó, công tác quản lý trật tự công cộng, bảo đảm mỹ quan đô thị được quận đôn đốc, kiểm tra và xử lý kịp thời. Trong năm 2019, quận đã đôn đốc, nhắc nhở 1.532 trường hợp; thu giữ hàng hóa, biển quảng cáo, bàn ghế, ô bạt,… 3.215 trường hợp; lập biên bản xử lý 1.886 trường hợp vi phạm nộp phạt trên 1,03 tỷ đồng.

Đối với việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà thuộc dự án khu đô thị Thanh Hà-CIENCO 5, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, quận đã lập hồ sơ theo trình tự thủ tục của pháp luật đã quy định, thiết lập 19 hạng mục công trình vi phạm cần được tháo dỡ. Trong quá trình xử lý, quận đã gửi đầy đủ thông báo cho chủ đầu tư. Đồng thời, vận động, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động tháo dỡ.

Sau nhiều lần đôn đốc và qua kiểm tra, báo cáo của đơn vị chức năng, cơ quan quản lý nhà nước, hết thời hạn khắc phục hậu quả nhưng chủ đầu tư không tự giác tháo dỡ, do đó, quận giao UBND phường Phú Lương cưỡng chế, tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm. Quá trình xử lý đúng trình tự quy định của pháp luật.

Ông Ngọc cũng chỉ ra một số tồn tại trên địa bàn như tốc độ đô thị hóa quận Hà Đông tăng nhanh, diện tích đất dịch vụ giao cho người dân lớn, nhiều khu đô thị, chung cư được hoàn thành gây khó khăn cho công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an ninh trật tự. Sự chủ động trong công tác tham mưu báo cáo, phối hợp giữa các đơn vị còn chưa hiệu quả dẫn đến khó khăn vướng mắc phát sinh không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng tiến độ giải quyết công việc nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, trật tự công cộng.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ phận người dân chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị, doanh nghiệp, chủ đầu tư còn hạn chế nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn xảy ra…

Trong năm 2020, quận tiếp tục khai thác các nguồn thu trên địa bàn và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng hạ tầng quận.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công, làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm, các công trình ưu tiên đầu tư có liên quan đến an sinh xã hội, hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ trên địa bàn…

Thùy Linh

Top