Vốn huy động của các tín dụng tăng trưởng tốt

19/11/2018 3:30 PM

(Chinhphu.vn)-Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, dự kiến đến 31/12/2018, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay và đầu tư) của các TCTD trên địa bàn đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,92% so với 31/12/2017.

Trong cơ cấu tổng dư nợ, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,6 triệu tỷ đồng chiếm 88,35% và tăng 18,69%, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 19,75%, dư nợ trung và dài hạn tăng 17,93%; dư nợ VND tăng 19,46%, dư nợ ngoại tệ tăng 13,33% so với 31/12/2017. 

Trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 140.830 đồng, chiếm 8,52%; dư  nợ cho vay DNNVV đạt 609.270 tỷ đồng, chiếm 36,86%; cho vay chính sách xã hội  đạt 8.347 tỷ đồng, chiếm 0,51%; và cho vay xuất khẩu đạt 159.673 tỷ đồng, chiếm 9,66%.

Kể từ đầu chương trình đến nay, cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là 538.125 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 505.602 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến 6-6,5%/năm đối với vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với vay trung và dài hạn.

Liên quan đến đầu tư xây dựng nông thôn mới, các TCTD trên địa bàn đã gồm Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Ngoại thương luôn dẫn đầu với số dư nợ cho vay. Trong đó,  lớn nhất đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, gồm 85.529 khách hàng cá nhân, 982 doanh nghiệp và 10 HTX, liên hiệp HTX, chiếm tỷ trọng 87,37% dư nợ của toàn ngành. Tiếp theo là Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, gồm 192.056 khách hàng cá nhân và 4 doanh nghiệp và 5 HTX, liên hiệp HTX, chiếm tỷ trọng 12,47%... 

Các TCTD chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo mục tiêu an toàn, hiệu quả; tích cực và chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như: bán nợ xấu sang VAMC, bán nợ cho DATC, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm, thu từ khách hàng trả nợ. Đến 31/12/2018, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn dự kiến chiếm 2,3%/tổng dư nợ. 

Minh Anh

Top