Xây dựng chính quyền đô thị: Hướng đến chính quyền hiện đại

17/05/2018 9:21 PM

(Chinhphu.vn) - Dự kiến Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị sẽ được TP.Hà Nội trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018. Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, lập đề án thí điểm chính quyền đô thị là xu thế tất yếu để xây dựng một chính quyền hiện đại.

3 phương án xây dựng chính quyền đô thị

Với đề xuất của TP.Hà Nội và các bộ, ngành liên quan, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 22-KL/TW, ngày 7/11/2017, trong đó Bộ Chính trị đã “Đồng ý để TP.Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.

Thực hiện theo các Nghị quyết và kết luận trên của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó xác định xây dựng 8 chuyên đề trọng tâm với các nội dung: Làm rõ các cơ sở lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm của một số nước về tổ chức chính quyền đô thị; thực trạng về tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền quận, thị xã; công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội; phân cấp các lĩnh vực quản lý nhà nước để từ đó đề xuất các chính sách đổi mới chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; làm rõ thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội với chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và mối quan hệ, cơ chế phân cấp, phối hợp giữa Hà Nội và các Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương khi thực hiện Đề án.

Theo kế hoạch xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội thì mục tiêu xây dựng Đề án nhằm xác định lộ trình, các bước, nội dung, tiến độ thời gian và tổ chức thực hiện và các công việc khi triển khai xây dựng Đề án phải bám sát các mục tiêu, quan điểm và nội dung các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về tổ chức chính quyền địa phương để xây dựng Đề án phù hợp và bảo đảm tiến độ.

Dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án.Trong đó, phương án 1 và phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường), riêng cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Thủ trưởng hành chính hoặc thiết chế Ủy ban. Phương án 3 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), một cơ quan hành chính đại diện (phường), cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Ủy ban.

Việc xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.Hà Nội sẽ giải quyết về 3 vấn đề chính: Chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và phân cấp phân quyền theo nguyên tắc, bảo đảm sự tinh gọn, thiết thực, hiệu quả. Việc tổ chức bộ máy cũng cần đi theo xu thế chung trong quản lý là tách bạch quản lý nhà nước và dịch vụ công.

Hiện nay, Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị xây dựng Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội trong năm 2018. Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, làm cơ sở để đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp đổi mới mô hình chính quyền đô thị; hội thảo đóng góp ý kiến vào chuyên đề thực trạng tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND, UBND quận, thị xã và đề xuất các giải pháp đổi mới chính quyền đô thị ở các quận, thị xã.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với đặc thù là một thành phố lớn, mật độ dân số cao, các vấn đề quản lý nhà nước có những đặc thù riêng, đòi hỏi TP.Hà Nội phải có những cơ chế, chính sách để đảm bảo cho việc quản lý và cung ứng dịch vụ công cho người dân được thực sự hiệu lực, hiệu quả. Chủ tịch UBND TP thông tin, theo đánh giá của các tập đoàn CNTT lớn trên thế giới thì hướng đi Hà Nội đang theo đúng hướng.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng xác định có chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, nhưng chưa đưa ra mô hình cụ thể. Đề án thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị của Thủ đô được xây dựng trên những yêu cầu thực tế cũng như nghiên cứu tham khảo mô hình của một số thành phố trên thế giới.

Tăng cường cải cách và số hóa thủ tục hành chính

Cũng trong thời gian qua, tổ soạn thảo “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP.Hà Nội” đã tiến hành khảo sát tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Tại thị xã Sơn Tây, Chủ tịch thị xã Đặng Vũ Nhật Thăng kiến nghị khi thí điểm, về mô hình tổ chức, cần đưa công tác tiếp dân và bộ phận tiếp công dân từ văn phòng HĐND và UBND về cơ quan Thanh tra quản lý, thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư về một đầu mối theo dõi, quản lý cho đồng bộ, thống nhất.

Theo Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật, xây dựng chính quyền đô thị cần phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, cần tăng cường cải cách hành chính, số hóa hành chính. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị nên thực hiện trước tại các quận có quy mô dân số lớn, dân tập trung đông, cơ cấu đa dạng phức tạp, trình độ dân trí cao, nhu cầu đa dạng và có tính tự quản cao. Quận Đống Đa cũng kiến nghị Thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện theo lộ trình, có giải pháp về tổ chức bộ máy sau sắp xếp, phân cấp, phân quyền, cơ chế chính sách, tài chính ngân sách để thực hiện bảo đảm tính ổn định, không xáo trộn, duy trì các hoạt động của địa phương.

Đối với quận Long Biên, Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải cho rằng, việc xây dựng chính quyền đô thị cần nghiên cứu theo hướng tập trung thu gọn đầu mối bộ máy hoạt động, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh, nhạy, trong công tác quản lý, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp thiết của đô thị.

Hòa An

Top