Xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ

08/08/2019 10:52 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển chuỗi góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của các mặt hàng tham gia chuỗi, tạo "đầu ra" ổn định.

Chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, bảo đảm ATTP. Ảnh: Diệu Anh

6 tháng đầu năm, công tác triển khai xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tiếp tục được quan tâm. Đến nay, toàn Thành phố đã xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tăng 14 chuỗi so với năm 2018.

Bên cạnh đó, xây dựng được 5 nhãn hiệu tập thể: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, trứng vịt Liên Châu, 13 nhãn hiệu hàng hóa, 01 nhãn hiệu được chứng nhận. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt lợn, 1 tấn thịt bò, 15 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng và 80 tấn sữa tươi. Hoạt động sản xuất rau an toàn từng bước đã  được kiểm soát, diện tích sản xuất rau an toàn đạt trên 5.000 ha, trong đó, đạt 224 ha rau VietGAP và gần 50 ha rau hữu cơ. Sản lượng rau an toàn ước đạt 350.000 tấn/năm, chiếm 58% so với tổng sản lượng của Thành phố.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng, đại lý trên địa bàn có ứng dụng phần mềm mã vạch mã hóa sản phẩm để tính tiền tự động QR code. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh đang được thực hiện trên một số loại sản phẩm tại siêu thị Metro, Fivimart, một số sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam và một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm, cấp phát trên 5.000.000 tem truy xuất dán trên các sản phẩm nông sản an toàn.

Hà Nội đang có 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc. Hiện, trên địa bàn Thành phố, các siêu thị đã tập trung phát triển mạng lưới, phủ khắp các khu vực nội thành và phát triển về khu vực ngoại thành: Hệ thống Vinmart có tổng số có 42 siêu thị, gần 500 cửa hàng tiện ích và  đang tiếp tục phát triển, nhân rộng; Hệ thống Siêu thị Lan Chi (bao gồm 11 siêu thị) hiện đang tập trung nâng cấp siêu thị nhằm đáp ứng điều kiện về ATTP để phục vụ nhu cầu nhân dân vùng ngoại thành; Hệ thống Intimex có 6 siêu thị...

Ngoài ra, còn hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp khác đang tiếp tục nhân rộng trên địa bàn Thành phố. Các siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn Thành phố là hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và là địa chỉ có uy tín cho người tiêu dùng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc mở rộng hệ thống phân phối nông sản an toàn trên địa bàn thành phố đang được thành phố gấp rút thực hiện. Theo đó, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội xây dựng thêm 6 chợ đầu mối cấp vùng, nâng tổng số lên là 8 chợ đầu mối, với diện tích từ 20-30 ha/chợ.

Hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng, có tem nhãn, bao bì... chiếm trên 90%. Chợ đầu mối không chỉ tập trung ở khu vực cận đô mà còn phát triển ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với nội đô và các vùng phụ cận.

Thành phố cũng tiếp tục duy trì triển khai Đề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh Trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội (12 quận). UBND các quận đã tiến hành gia hạn và cấp mới biển nhận diện đối với 780/798 cửa hàng, đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. Duy trì và xây dựng 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè.

Diệu Anh

Top