Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn ‘từ trang trại đến bàn ăn’

15/06/2016 11:09 AM

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tạo ra những sản phẩm “sạch” cung cấp cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Đó là ý kiến của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra tại Hội nghị "Đưa thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng trên địa bàn thành phố" được Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây.

Mô hình liên kết theo chuỗi

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, việc triển khai mô hình kiểm soát theo chuỗi là chia sẻ trách nhiệm cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm, cùng nhau thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, Chi cục đã rà soát, thống kê, lập danh sách được gần 17.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trong đó, cấp thành phố quản lý gần 800 cơ sở; cấp quận, huyện, xã, phường hơn 16.600 cơ sở (số cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh là 4.771 cơ sở, còn lại chủ yếu là sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, mùa vụ, không có đăng ký kinh doanh). Công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản được phân công, phân cấp rõ ràng từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn đảm bảo phủ kín chuỗi sản xuất đến tiêu thụ.

Công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được thực hiện tại đầy đủ các công đoạn từ sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng) đến giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ. Lũy kế đến nay, có 2.050 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP còn hiệu lực. Trong đó thành phố 1.033 giấy, quận, huyện, xã, phường 1017 giấy.

 

Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ với các cơ sở kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn thành phố để tiêu thụ sản phẩm thông qua các Hội chợ, Hội thảo, tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và với các tỉnh khác về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn luôn được chú trọng và đẩy mạnh.

Trong những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao các đơn vị xây dựng thí điểm chuỗi sản xuất, tiêu thụ như chuỗi bưởi diễn tại xã Trần Phú - Chương Mỹ; chuỗi chuối tiêu hồng xã Cổ Bi - Gia Lâm; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn với 47 cửa hàng của 9 nhà phân phối. Ngoài ra, đã triển khai xây dựng các chuỗi liên kết ngang trong chăn nuôi, tiêu thụsản phẩm gia súc, gia cầm: số lượng 17 chuỗi.

Để kiểm soát sản phẩm từ ngoại tỉnh tiêu thụ tại Hà Nội, Sở cũng xây dựng kế hoạch ký hợp tác với các tỉnh phía Bắc triển khai các mô hình ATTP nông lâm sản và thủy sản với tổng số 20 tỉnh, trong đó có nội dung phối hợp phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo quy mô liên tỉnh, liên vùng cung cấp sản phẩm ATTP cho Hà Nội và ngược lại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc sản xuất nông nghiệp hiện nay còn manh mún nhỏ lẻ, liên kết không bền vững; trình độ canh tác, công nghệ sơ chế, chế biến lạc hậu… ; một số sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ tại các điểm kinh doanh trong mô hình chuỗi chưa được xây dựng thương hiệu, do vậy chưa quảng bá được sản phẩm và tạo lòng tin người tiêu dùng.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Để khắc phục các tình trạng trên, Sở NN&PTNT đã đề ra các giải pháp nhằm quản lý ATTP nông lâm thủy sản và xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi trong thời gian tới. Theo đó, Sở sẽ xây dựng và triển khai các đề án, dự án hỗ trợ cho công tác quản lý chất lượng vật tư và ATTP nông nghiệp, rà soát, xây dựng cơ chế chính sách còn thiếu về các nội dung như sản xuất tập trung; liên kết theo chuỗi (dọc, ngang), quy định về kiểm soát, kiểm tra và xử lý…; xây dựng chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở  sản xuất di chuyển vào vùng quy hoạch để phát triển lâu dài, bền vững.

Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng nhiều hình thức truyền thông có hiệu quả; tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; kiến thức ATTP để nâng cao nhận thức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, thay đổi hành vi để sản xuất thực phẩm an toàn;

Tuyên truyền về cách lựa chọn sản phẩm an toàn, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ được kiểm soát theo chuỗi để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm được sản xuất trong điều kiện đảm bảo an toàn, thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được sản xuất theo chuỗi.

Tiếp tục duy trì và phát triển và xây dựng các mô hình chuỗi đảm bảo ATTP, hướng dẫn hỗ trợ người sản xuất và doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn và lấy mẫu giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi trước khi đến tay người tiêu dùng. 

Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là một giải pháp có tính đột phá và đảm bảo bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng.

Diệu Anh

Top