Xây dựng cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

03/10/2018 10:59 AM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của đất nước, cho nên luôn chú trọng đến công tác phát triển doanh nghiệp, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Hà Nội luôn chú trọng đến công tác phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Thùy Linh

Những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 22.617, 24.519 và 18.000 qua các năm 2016, 2017 và 8 tháng đầu năm 2018. Cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào ngân sách Thành phố, tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động. Nhưng trong số 263 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97%.

Trong khi các giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, cả về thủ tục hành chính, việc tiếp cận các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh... Số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, phá sản, giải thể còn nhiều, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, Hà Nội có 4.409 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh và 1.129 doanh nghiệp giải thể.

Trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ ngày 1/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã hỗ trợ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp, đối với mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp là 300.000 đồng. Hỗ trợ làm con dấu pháp nhân cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh với mức 300.000 đồng. Ngoài ra, khi thành lập, doanh nghiệp chỉ cần kê khai qua mạng, thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả đến doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Công ty TNHH Amico Gold cho biết, việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp từ ngày 1/8 đã mang lại lợi ích thiết thực cho các đơn vị mới gia nhập thị trường, thông qua tiết giảm chi phí liên quan đúng như công bố của Thành phố. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đánh giá cao những hỗ trợ về tư vấn, pháp lý, kế toán và quản trị... từ các cơ quan chức năng, đánh giá cao việc cơ quan chức năng áp dụng hóa đơn điện tử miễn phí cho doanh nghiệp...

Có thể thấy, Thành phố Hà Nội xác định doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của đất nước, cho nên luôn chú trọng đến công tác phát triển doanh nghiệp, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Mới đây, UBND Thành phố cũng đã ban hành Quyết định số 4665-QĐUB về việc ban hành Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020” nhằm khuyến khích, phát triển doanh nghiệp thành lập mới và thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân....

Đề án đưa ra nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất bằng cách đơn giản hóa các thủ tục về đất đai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao thương kết nối trong và ngoài nước, hỗ trợ chuyển giao và đổi mới công nghệ;,tổ chức tư vấn, hỗ trợ miễn phí thủ tục pháp lý về thành lập doanh nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, xây dựng các nội dung hỗ trợ theo cơ chế chính sách riêng của Hà Nội bao gồm tuyên truyền, phổ biến những chính sách hỗ trợ thành lập doanh nghiệp trên địa bàn ; hỗ trợ kinh phí và thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp mới; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hộ kinh doanh. Đồng thời, không thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian ba năm đầu, kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Đề án sẽ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tạo tiền đề để phát triển hiệu quả, bền vững hơn.

Thùy Linh

Top