Xây dựng môi trường để học sinh phát huy năng lực học tập

17/11/2017 4:36 PM

(Chinhphu.vn)-Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những nội dung ngành GD&ĐT Hà Nội tập trung thực hiện là trang bị tốt kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên để phát huy được hết năng lực học tập của học sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng-Ảnh: Gia Huy

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Chử Xuân Dũng đã có những trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những nội dung ngành GD&ĐT Thủ đô chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới trong giai đoạn tiếp theo.

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc lùi thời gian 1 năm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới để các địa phương có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng. Xin ông cho biết ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tập trung vào chuẩn bị những nội dung nào?

Ông Chử Xuân Dũng: Trong những năm qua, ngành GD&ĐT Thủ đô luôn được đánh giá là có nhiều đổi mới với những bước phát triển nổi bật và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong năm qua, ngành đã quyết liệt đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt theo hướng sâu sát và hiệu quả; đồng thời, đã đi trước, đón đầu trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học. Ngoài ra, để thực hiện một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Thành phố là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành đã đổi mới mạnh mẽ chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp dạy học trong nhà trường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai tại TP.Hà Nội, về phía ngành GD&ĐT Hà Nội cần chuẩn bị 2 nội dung: Thứ nhất là các điều kiện về đội ngũ giáo viên; thứ hai là chuẩn bị về cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập.

Vậy với đội ngũ giáo viên, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ chuẩn bị như thế nào thưa ông để đáp ứng được yêu cầu đổi mới?

Ông Chử Xuân Dũng: Với đội ngũ nhà giáo, việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp là nội dung hết sức quan trọng. Một trong những mục đích lớn nhất của chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển đổi phương pháp dạy học từ trang bị kiến thức chủ yếu sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đội ngũ giáo viên tuy đã được đào tạo đầy đủ các kỹ năng cơ bản nhưng để tiếp cận chương trình mới với nội dung cụ thể thì đội ngũ giáo viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng mới cũng như phát triển kỹ năng giảng dạy.

Trong các kỹ năng cần phát triển, đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên cần có kỹ năng thiết kế kế hoạch dạy học phù hợp với từng trường, từng địa phương. Từ những quy định của Bộ GD&ĐT, từng địa phương, từng trường sẽ xây dựng khung dạy học cụ thể hơn nữa trên nền tảng chương trình do Bộ GD&ĐT quy định.

Về phát triển kỹ năng nghề nghiệp, đội ngũ giáo viên cần phát triển phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực học sinh; phát triển kỹ năng đánh giá, kiểm tra năng lực học sinh và nhiều kỹ năng khác như kỹ năng soạn giảng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy...

Một nội dung ngành GD&ĐT Hà Nội rất quan tâm đó là chú trọng nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng nhà giáo mẫu mực. Nghề dạy học bên cạnh việc truyền thụ kiến thức thì các nhà giáo cần có nhân cách, phẩm chất để dạy học sinh bằng chính nhân cách, phẩm chất của người thầy. Với giáo dục phổ thông khác giáo dục đại học hay giáo dục nghề nghiệp, ở giáo dục phổ thông thầy cô dạy các em học sinh bằng phẩm chất của chính cá nhân mình nên phẩm chất của giáo viên rất quan trọng không kém năng lực giảng dạy.

Việc chuẩn bị về cơ sở vật chất đang Sở GD&ĐT Hà Nội chuẩn bị như thế nào thưa ông?

Ông Chử Xuân Dũng: Hiện nay, Hà Nội có gần 2.700 trường học, so với 5 năm trước Thành phố tăng 250 trường học, tăng trên 10 nghìn nhóm lớp, tăng trên 377 nghìn học sinh, trên 24 nghìn giáo viên và trên 8.500 phòng học. Do yêu cầu thực tế như quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh dẫn đến quá tải trường học, hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đang cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện rà soát để điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp còn nhằm để bảo đảm sĩ số cho học sinh trong một lớp, giúp cho học sinh có điều kiện học tập tốt nhất. Đặc biệt là các điều kiện để xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao để các em học sinh có môi trường học tập tốt.

Sở GD&ĐT hiện đang cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện việc rà soát để điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Dự kiến báo cáo được hoàn thiện trong tháng 11/2017 để trình Thường trực Thành uỷ và các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Trong việc rà soát quy hoạch, chúng tôi rất coi trọng ý kiến từ các cơ sở để bản điều chỉnh quy hoạch khi được phê duyệt là căn cứ để ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn.

Ông vừa nhắc tới việc chú trọng nâng cao phẩm chất của đội ngũ giáo viên, vậy ngành GD&ĐT Thủ đô đã và đang thực hiện vấn đề này như thế nào?

Ông Chử Xuân Dũng: Một điểm quan trọng nữa là ngành GD&ĐT Thủ đô rất quan tâm đến xây dựng môi trường học tập bởi môi trường học tập trong mỗi nhà trường là nơi ươm mầm tài năng cho các em học sinh đồng thời cũng là môi trường giúp các nhà giáo phát huy năng lực của mình.

Để nâng cao phẩm chất của đội ngũ giáo viên, ngành GD&ĐT Thủ đô chú trọng việc thực hiện các phong trào thi đua, từ phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt” đến xây dựng “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”… Vừa qua, ngành GD&ĐT Thủ đô đã tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007-2017 và đánh giá một năm triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017.

Từ các các phong trào thi đua, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã thực hiện tốt kỷ cương, nề nếp, kỷ luật lao động, nội quy, quy chế của nhà trường, đơn vị; không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm, tận tâm với nghề, yêu thương học sinh, xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tác phong mẫu mực. Cũng từ các phong trào thi đua của ngành được triển khai trong nhiều năm qua đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nhà giáo tiêu biểu Thủ đô.

Gia Huy (thực hiện)

Top