Xây dựng thương hiệu cho 30 làng nghề

09/09/2019 10:15 AM

(Chinhphu.vn) - Đó là kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua.

* Phát huy tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công làng nghề

* Đã có 17 làng nghề truyền thống phát triển gắn với du lịch

* Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống

Làng nghề làm tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội - Ảnh: Nhật Bắc

Theo đó, triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu cho 30 làng nghề; hỗ trợ đầu tư, đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất 34 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Hằng năm, thành phố đều tổ chức hỗ trợ như: Cấy nghề, đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt được hiệu quả tích cực.

Toàn Thành phố đã tổ chức khoảng 15 hội chợ thủ công mỹ nghệ và quà tặng; 2 triển lãm - hội chợ OVOP (OCOP) Hà Nội với tổng số 2.642 gian hàng của hơn 1.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề Hà Nội. Hội chợ đã thu hút trên 2.000 nhà nhập khẩu đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham quan, giao dịch.

Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ khoảng 480 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, nghệ nhân tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài. Qua đó, đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa mẫu mã, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.

Để hỗ trợ các làng nghề trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề với tổng diện tích 600 m2 tại số 167 phố Quang Trung, quận Hà Đông giới thiệu trên 1.000 sản phẩm, góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề...

Bên cạnh đó, các sở, ngành của thành phố cũng tích cực trong công tác hỗ trợ các làng nghề phát triển. Theo đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành, hội, hiệp hội thực hiện các chương trình khuyến công thành phố; hỗ trợ cho các làng nghề tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, tổ chức truyền nghề, nhân cấy nghề, đổi mới, ứng dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các phòng chuyên môn cấp huyện và các cơ sở dạy nghề triển khai công tác đào tạo nghề cho khoảng 24.000 người mỗi năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hằng năm chủ trì, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho 2.000 lao động của các làng nghề trên địa bàn; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

Liên minh hợp tác xã thành phố phối hợp với Sở Công thương hằng năm hỗ trợ tổ chức các lớp cấy nghề, truyền nghề; hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề…

Vĩnh Hoàng

Top