Xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô

17/02/2018 12:55 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu Du lịch Thủ đô là một trong các giải pháp mà ngành du lịch Hà Nội sẽ theo đuổi để đạt các mục tiêu tăng trưởng du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải.

Nhân dịp Xuân Mậu Tuất, Chuyên trang Thủ đô Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội về vấn đề này cũng như những giải pháp tổng thể mà ngành Du lịch Hà Nội sẽ thực hiện nhằm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như những chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch của UBND Thành phố về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Thưa ông, năm nay Hà Nội phấn đấu số lư­ợng khách du lịch đạt hơn 25 triệu (25.408.000) lượt khách, tăng 7 % so với dự kiến năm 2017. Vậy ngành du lịch đã đề ra những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu này?

Ông Trần Đức Hải: Cùng với nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch, chúng tôi sẽ chú trọng việc quảng bá, hợp tác thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành phố trong việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong công tác phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước; Tổ chức đón các đoàn Famtrip của các tỉnh, thành phố đến khảo sát và liên kết phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ chủ động phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông; VNPT trong việc tham mưu cho Thành phố xây dựng và triển khai thực hiện đề án du lịch thông minh.

Phối hợp với các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố để kết nối, giới thiệu quảng bá, hợp tác phát triển du lịch tại thị trường quốc tế và ngược lại như: Tổ chức chương trình du xuân hữu nghị; tổ chức các đợt làm việc với các đại sứ quán để kết nối, quảng bá, hợp tác du lịch Hà Nội với các nước và ngược lại.

Tham gia các sự kiện du lịch, cũng như xây dựng các sản phẩm truyền thông quản bá du lịch, xây dựng và triển khai ứng xử văn minh khi tham gia du lịch

Song với các hoạt động xúc tiến trong nước, chúng tôi cũng sẽ tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong khu vực và trên thế giới.

Dự kiến, năm nay Hà Nội sẽ tiếp tục tham dự hội nghị và các hoạt động hợp tác phát triển du lịch của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương 2018, tổ chức chương trình hợp tác, khảo sát tại các nước có thị trường gửi khách hàng đầu đến Hà Nội như Úc, Thái Lan; đăng cai Hội nghị thường niên của tổ chức Hội đồng Xúc tiến du lịch Châu Á (CPTA ) 2018 tại Hà Nội. Thực hiện chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA ).

Với những nội dung quảng bá trong năm 2017, CNN đã bước đầu giới thiệu hình ảnh Thủ đô Hà Nội ra cộng đồng quốc tế. Chương trình nhận được phản hồi tích cực thông qua khảo sát với bên thứ ba, cho thấy đông đảo người trải nghiệm bày tỏ quan tâm đặc biệt, mong muốn tới thăm Thủ đô Hà Nội. Năm 2018, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình Quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình CNN.

Đồng thời phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đón các đoàn Fam là các doanh nghiệp, phóng viên báo chí vào Hà Nội khảo sát các sản phẩm du lịch để quảng bá du lịch Hà Nội và thu hút đầu tư du lịch vào Hà Nội. Tham gia các hoạt động hợp tác, phát triển du lịch trong nước và quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Thành phố Hà Nội tổ chức.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, cùng với chương trình xúc tiến quảng bá điểm đến, Hà Nội sẽ đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dưng thương hiệu du lịch Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội là một địa danh du lịch lớn, từ lâu đã trở một trong những điểm đến hàng đầu tại Việt Nam. Như vậy có thể coi là du lịch Thủ đô đã có thương hiệu, thưa ông?

Ông Trần Đức Hải: Có thể nói, du lịch Hà Nội “đã có thương hiệu”. Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, có vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi, là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Hà Nội còn là trung tâm tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các vùng du lịch phía Bắc và các vùng, miền khác trên lãnh thổ Việt Nam cũng như tới các nước trong khu vực.

Hà Nội sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú. Với hơn 5.000 di tích và nhiều khu danh thắng nổi tiếng như: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, khu phố cổ… du lịch văn hóa là thế mạnh lớn trong số những tiềm năng vốn có của Hà Nội. Cùng vơi đó là những di sản kiến trúc, lối sống, văn hóa ẩm thực… vô cùng độc đáo, hấp dẫn và phong phú.

Khai thác thế mạnh này, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng nhiều tour tham quan di tích để phát huy lợi thế với nhiều nét mới, đặc biệt việc mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ, đã tạo được sự hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Nhờ đó, du lịch Hà Nội đã đạt được những bước tiến rõ rệt. hoạt động du lịch Thủ đô tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển, giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong những năm qua, Hà Nội liên tục nhận được các bình chọn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.

Vậy tại sao vẫn cần xây dựng sản phẩm du lịch gắn với với thương hiệu du lịch Thủ đô? Vừa qua, mặc dù có bước tăng trưởng như vậy nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Thành phố cũng như các chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực này, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với thế mạnh, tăng trưởng chưa thực sự xứng đáng với tầm vóc Thủ đô.

Mặc dù thời gian qua, sản phẩm du lịch Hà Nội từng bước được nâng cấp, tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, sản phẩm du lịch nhìn chung còn đơn điệu, sản phẩm đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến còn chưa rõ, tính chuyên nghiệp trong từng điểm đến chưa cao.

Chính vì thế, vấn đề đặt ra để du lịch Hà Nội phát triển, cần chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, làm nổi bật những tiềm năng du lịch của Hà Nội. Đó là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử của mảnh đất này, là những danh thắng, những kiến trúc đô thị độc đáo riêng có của Thủ đô. Và đặc biệt không thể không nói đến văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo của thành phố này.

Xin ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng xây dựng, nâng cấp chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch trong năm nay?

Ông Trần Đức Hải: Trong năm nay, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho Thành phố kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai và khuyến khích, tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố chủ động trang trí, xây dựng, cải tạo cảnh quan trụ sở, nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu, đường phố…thành vườn hoa, tiểu cảnh đặc sắc để khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, độc đáo, riêng có của du lịch Hà Nội để quảng bá, tuyên truyền, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Nội theo chuyên đề: Bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ, Nhà hát Lớn Hà Nội, ...) gắn với sản phẩm du lịch phố cổ, phố cũ, Hồ Hoàn Kiếm, gắn với khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Xây dựng sản phẩm du lịch dọc vành đai sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy tại Hà Nội và nối đi các tỉnh. Sản phẩm du lịch đặc trưng ở Cổ Đô, Ba Vì; Vân Từ, Phú Xuyên; Vạn Phúc, Hà Đông; Bát Tràng, Gia Lâm; làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây; Hoàng Thành Thăng Long; phố cổ, phố cũ, phố đi bộ Hoàn Kiếm...

Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai tổ chức sản xuất thí điểm các mẫu biển chỉ dẫn du lịch đã được Thành phố phê duyệt và tiếp tục lập Đề án rà soát thống kê lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố.

Về bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, chúng tôi sẽ hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật Trung ương và Thành phố xây dựng một số điểm cố định biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại số 15 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng,  Hoàng Thành - Thăng Long, Khu vực phố cổ, Khu vực Hồ Tây, Làng nghề Lụa Hà Đông, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bát Tràng, ..

Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các quận huyện, thị xã tổ chức các chương trình quảng bá du lịch tại chỗ. Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện nội dung đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc.

Năm nay, ngành Du lịch Hà Nội cũng sẽ chủ động phối hợp với các các cơ sở đào tạo chuyên ngành tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho nguồn nhân lực đang trực tiếp và gián tiếp phục vụ trong các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn Thành phố. Mở các lớp về tuyên truyền, xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch, nghiệp vụ quản lý nhà nước về du lịch... cho cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; các lớp văn hóa du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch trọng điểm của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Duy trì việc phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có khoa du lịch, văn hóa, quản trị kinh doanh du lịch tiếp tục duy trì Chương trình "Mỗi đoàn viên Thanh niên là một tuyên truyền viên về du lịch Hà Nội" nhằm tạo môi trường thực tế cho sinh viên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top