Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế Thủ đô

02/11/2015 4:40 PM

(Chinhphu.vn) – Đến nay, đời sống văn hóa của nhân dân Thủ đô ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành.

 

Ảnh minh họa

Cần chuyển biến mạnh mẽ hơn trong xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch

 

Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, Hà Nội ngàn năm văn hiến là bộ mặt, là niềm tự hào của quốc gia. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá của dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thuỷ chung, trong sáng, tôn trọng pháp luật.

Tổng Bí thư đã lưu ý, bên cạnh việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cả vật thể và phi vật thể, sáng tạo các giá trị văn hóa mới, Hà Nội phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Về nội dung “Phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cho biết, Tại Đại hội XV, Đảng bộ thành phố xác định phải quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn về đầu tư nguồn lực tài chính và con người để sự nghiệp phát triển văn hóa chuyển biến rõ nét, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế -xã hội Thủ đô.

Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại về nội dung, vừa phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc.

Thành phố cũng đặt nhiệm vụ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những phẩm chất cơ bản: Yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô, trung thực, tự trọng, nghĩa tình, có lối sống và nếp sống trong sạch, lành mạnh; có tri thức, năng động, sáng tạo, chủ động và vững vàng trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, có thể chất tốt và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Giai đoạn 2010 – 2015, sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã có chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu nổi bật, công tác quản lý nhà nước từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Một số di sản được công nhận là di sản văn hóa thế giới (Hoàng Thành Thăng Long), di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại (Hát Ca trù và Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng), di sản văn hóa quốc gia đặc biệt.

Chất lượng của các hoạt động văn hoá, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Thành phố Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế về một bề dày nghìn năm văn hiến cần được chăm lo, giữ gìn và phát huy.

Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhiều phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp như phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”… đã thực sự phát huy hiệu quả, tác động sâu rộng đến từng con người, gia đình, cơ quan, đơn vị; những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy.

Vẫn còn những băn khoăn, trăn trở

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp phát triển Văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh của thành phố vẫn còn những băn khoăn, trăn trở, đặc biệt là vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu Thủ đô ngàn năm văn hiến, chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống của Hà Nội, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, theo ông Tô Văn Động, Sở Văn hóa và Thể thao đã đề xuất một số giải pháp về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Xây dựng các sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa đặc thù, đặc trưng của Thủ đô.

Ông Tô Văn Động nhấn mạnh, giai đoạn tiếp theo, tiếp tục xây dựng Người Hà Nội phát triển toàn diện cùng với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng Quy hoạch Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực làm công tác văn hóa từ thành phố tới cơ sở. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Triển khai Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố nhằm tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng được những yêu cầu về phát triển bền vững của Thủ đô trong thời kỳ mới.

Mai Anh

Top