Xóa điểm ‘đen’ ùn tắc giao thông: Cần thêm giải pháp cấp bách và lâu dài

22/10/2019 10:01 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, để xóa các “điểm đen” ùn tắc, các đơn vị chức năng của Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp như bổ sung biển báo, gờ giảm tốc… Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tình thế, còn về lâu dài cần có những giải pháp hữu hiệu hơn.

Xây cầu vượt tại các nút giao góp phần giảm ùn tắc giao thông Thủ đô. Ảnh: Thành Nam

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ  đất giao thông nội đô của Hà Nội hiện nay mới chỉ  đạt dưới 9%, giao thông công cộng đạt 17%.Trong khi đó tiêu chuẩn thông thường của các đô thị trên thế giới tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 22 - 24%. Không chỉ có tỷ lệ đất giao thông thấp mà mật độ dân số tại Hà Nội cũng rất cao. Với thực trạng đó việc thường xuyên ùn tắc giao thông ở Hà Nội cũng là một điều tất yếu.

Cùng với đó, nhiều khu đô thị, khu chung cư, nhà cao tầng được xây dựng nhưng chưa đồng bộ kết nối giữa đường nội bộ và hệ thống giao thông chung của Thành phố dẫn tới nhiều nơi, nhiều địa bàn giao thông chưa hợp lý; việc tổ chức giao thông tại cổng các trường học trên địa bàn còn những hạn chế nhất định. Trong thời gian phụ huynh học sinh đưa, đón con em đi học thường xảy ra tình trạng ùn ứ giao giao thông. Trên địa bàn thành phố có một số tuyến đường do đang trong quá trình thi công, hoàn thiện để đưa vào sử dụng nên việc tổ chức giao thông còn nhiều hạn chế, dẫn đến những vấn đề phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Thời gian qua, để xóa các “điểm đen”  ùn tắc, các đơn vị chức năng của Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp như bổ sung biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đèn… nhờ vậy các điểm ùn tắc dần được xóa bỏ, giao thông trở nên thông suốt. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện không ít những điểm, nút giao thông trước kia thường xuyên ùn tắc thì nay đã giảm nhiệt. Chẳng hạn như nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa); Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy).

Tại các nút giao này, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc bởi mật độ phương tiện xung đột giữa các dòng phương tiện. Tuy nhiên, sau khi nâng cấp cầu 361, đèn tín hiệu được lắp đặt ở tất cả các hướng lưu thông trên cầu cùng sự túc trực phân luồng thường xuyên của lực lượng Cảnh sát giao thông nên tình trạng phương tiện ùn ứ đã giảm rõ rệt, đường trở nên thông thoáng hơn. Tương tự, với nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), Sở Giao thông vận tải điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, đồng thời tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông nên tình trạng ùn tắc đã được cải thiện rõ rệt...

Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã và  đang tập trung phát triển nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông để từng bước hoàn thiện theo quy hoạch như: Xây dựng các cầu vượt tại các nút giao, xây dựng các hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, Cầu Nhật Tân, đường vành đai 2, cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên, tổ chức lại các nút giao cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, đường vành đai 3,... Các công trình này cũng đã phát huy được hiệu quả, góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông hiện nay trên địa bàn Thành phố.

Song song với giải pháp đầu tư cho hạ tầng, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp khác chống ùn tắc như tính toán tổng thể lại vận tải hành khách công cộng; tăng cường phương tiện và chất lượng vận tải công cộng để thu hút người tham gia giao thông. Cùng đó, rà soát, bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông lại những vị trí, đoạn đường thường xuyên ùn tắc. Đặc biệt, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới vẫn là phải rà soát, tìm ra những điểm chưa hợp lý trong tổ chức giao thông để tổ chức lại. Với các công trình giao thông trọng điểm, Sở Giao thông vận tải Hà Nội rà soát để thu hẹp các hàng rào chiếm dụng các tuyến đường để hạn chế ùn tắc tại vị trí thi công các công trình trọng điểm.

Đồng thời, tập trung hoàn thành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn - đường sắt đô thị; có biện pháp phù hợp để quản lý sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, rà soát hệ thống biển báo, sơn kẻ để xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Tại khu vực các công trình đang thi công, đề xuất lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý tại các tuyến đường, sau thời gian thi công bảo đảm đường êm thuận, an toàn cho người tham gia giao thông...

Thành Nam

Top