Xử lý dứt điểm vi phạm đất rừng tại Sóc Sơn

25/03/2019 5:39 PM

(Chinhphu.vn) - Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội đã được công bố công khai. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn và 9 xã có liên quan cùng các sở, ngành xử lý dứt điểm theo kết luận thanh tra về vi phạm đất rừng tại Sóc Sơn.

* Thanh tra Hà Nội chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý đất rừng Sóc Sơn

* Thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng còn lại tại Sóc Sơn

* Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu xử lý công trình 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn

* Tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn)

* Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu rà soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng tại Sóc Sơn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp HĐND sáng 25/3 - Ảnh: Gia Huy

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết như trên khi làm rõ thông tin về quản lý trật tự xây dựng tại phiên giải trình HĐND thành phố Hà Nội sáng nay (25/3) liên quan đến quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn Hà Nội.

7 quận, huyện tồn đọng nhiều công trình vi phạm

Trả lời tại phiên giải trình HĐND thành phố Hà Nội sáng nay (25/3), liên quan đến giải quyết các công trình vi phạm TTXD tồn đọng nhiều năm, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết hiện có 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, vẫn để tồn đọng nhiều công trình gồm các quận, huyện: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức.

Năm 2017 tại kỳ họp HĐND thành phố, từ 413 công trình tồn đọng (dự án, nhà dân vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ngành quận huyện giải quyết), đến nay chúng ta đã giải quyết xử lý được 80 công trình.

Sở Xây dựng cũng nhận trách nhiệm của mình, cũng có phần nguyên nhân do sau khi bàn giao lực lượng 1.580 người về các quận, huyện, Sở chỉ còn 78 đơn vị, với địa bàn quản lý rất rộng.

Về 80 công trình vi phạm tồn đọng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong tháng 4/2019, Sở Xây dựng sẽ trình UBND thành phố kế hoạch cố gắng giải quyết, không nên để “treo” nữa, trong đó chủ trương là mạnh dạn đề xuất giải pháp xử lý, giám sát chặt chẽ với những công trình vi phạm phát sinh, làm rõ trách nhiệm từ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sở, ngành, quận, huyện...

Trong 3 năm xử lý hơn 500 công trình vi phạm TTXD

Giải trình và làm rõ hơn vấn đề quản lý TTXD, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, vi phạm TTXD tập trung ở 4 nhóm: Vi phạm TTXD ở các công trình, dự án do các chủ đầu tư, công ty thực hiện; vi phạm TTXD của các cá nhân, hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp (gồm cả phần đất công do UBND các phường, xã giao cho chủ đầu tư quản lý và phần đất do các hộ dân thực hiện); vấn đề liên quan đến nhà siêu mỏng, siêu méo; vi phạm trật tự quản lý về đất rừng phòng hộ, trong đó có vi phạm diễn ra trong thời gian dài, nhiều công trình vi phạm gây bức xúc và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể.

Để lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, ngay từ năm 2016, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn thành phố”. Thực hiện Chỉ thị này và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành những quy định cụ thể, đề ra những biện pháp, lộ trình cụ thể.

Theo Chủ tịch thành phố Hà Nội: "Thành phố đã họp bàn, xác định nguyên nhân là có việc cán bộ cơ sở có biểu hiện bao che, làm ngơ cho công trình vi phạm dẫn đến công trình đã xây xong, thậm chí đã xây dựng với quy mô lớn rồi mới bị phát hiện".

Chính từ nguyên nhân này, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thành phố Hà Nội thí điểm sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng theo Luật Thanh tra, dưới sự quản lý của Thanh tra Sở Xây dựng, giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp quản lý tại địa bàn.

Hà Nội đã tổ chức kiểm tra và rà soát, thống kê tất cả vi phạm còn tồn tại trên địa bàn thành phố  tính đến thời điểm cuối tháng 6/2016. Trên cơ sở đó, thành phố yêu cầu từng đơn vị, phường, xã, quận, huyện tiến hành khắc phục.

"Sau hơn 3 năm, đã khắc phục được hơn 500 công trình, hiện còn 1.200 công trình vi phạm từ trước đang được tiếp tục xử lý", ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Có vi phạm liên quan làm giả giấy tờ

Về các giải pháp khắc phục, Chủ tịch thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, thành phố còn hơn 2.200 nội dung được thanh tra các cấp thực hiện trong vòng 10 năm qua cần được tiến hành rà soát, xử lý.

Liên quan đến vi phạm đất rừng tại Sóc Sơn, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND Thành phố đã đôn đốc Thanh tra thành phố rà soát việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ từ năm 2016 đối với những vi phạm TTXD tại đất rừng Sóc Sơn. Kết luận của Thanh tra thành phố đã được công bố công khai. Trên cơ sở đó, thành phố chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn và 9 xã có liên quan cùng các sở, ngành xử lý dứt điểm theo kết luận thanh tra.

Đối với các công trình vi phạm qua nhiều thời kỳ khác nhau, hiện có 2 công trình vi phạm nhức nhối là mương Phan Kế Bính và mương Nguyễn Khánh Toàn. Với công trình mương Nguyễn Khánh Toàn, trong tháng 6 và 7/2018, thành phố đã chỉ đạo quận Ba Đình xử lý xong những vi phạm mới. Tạiđây còn một nhà hàng và một bộ phận dịch vụ bán xe máy do chưa hết hợp đồng ký với chủ công trình. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, khi hết hạn hợp đồng, quận sẽ yêu cầu chủ công trình phá dỡ và chủ công trình đã cam kết.

Với các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân được ông Nguyễn Đức Chung cho biết là do sự buông lỏng quản lý của các cấp cơ sở và việc thanh tra, kiểm tra của thành phố chưa kịp thời.

"Theo báo cáo ban đầu của Công an thành phố, có những vi phạm liên quan đến việc làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa giấy tờ, thành phố đã đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm, không dung túng, bao che", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 3 năm qua, đã có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn bị kỷ luật, cách chức.

Đối với công trình siêu mỏng, siêu méo, hiện nay trên địa bàn thành phố còn tồn tại 132 công trình và xử lý bị kéo dài do chủ trương trước đây là ưu tiên để chủ đầu tư đàm phán hợp khối. Để khắc phục, tại các tuyến đường mới, thành phố chủ trương, khi tiến hành đo đạc, tập trung bồi thường GPMB đối với những ô đất dưới 30m, không đủ điều kiện xây dựng để trồng cây, hoa hoặc làm công trình công cộng.

Với những công trình do chủ doanh nghiệp vi phạm, trong những năm qua, Thành phố kiên quyết yêu cầu các chủ công trình có vi phạm TTXD, nợ đọng thuế, vi phạm quy định về bảo đảm an toàn PCCC... Chủ đầu tư khắc phục xong tồn tại mới được cấp phép, xem xét chủ trương đầu tư dự án mới.

Gia Huy

Top