Xử lý hơn 1.120 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm

14/08/2018 10:09 AM

(Chinhphu.vn) - Đây là kết quả sau 1 năm thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND, ngày 1/6/2017, của UBND TP Hà Nội về "Khắc phục hạn chế, yếu kém, đổi mới, nâng cao an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội" thuộc lĩnh vực Công Thương.

Triển khai kế hoạch của thành phố, cùng với triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, trong 1 năm qua, các đơn vị thuộc Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 43 doanh nghiệp, xử phạt 11 doanh nghiệp 54,7 triệu đồng. Tương tự, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý 1.113 vụ, phạt hành chính hơn 5,33 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm với trị giá hơn 3,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến, phân phối và quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 124 siêu thị, 22 trung tâm thương mại, 454 chợ và đại lý, cửa hàng kinh doanh thực phẩm phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Sở Công Thương đã kết nối, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tạo thành chuỗi khép kín từ nhà sản xuất - phân phối - người tiêu dùng. Cụ thể, trên địa bàn thành phố đang có 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc.

Ngoài ra, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn thành phố bằng công nghệ thông minh. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng, đại lý có ứng dụng phần mềm mã vạch mã hóa sản phẩm để tính tiền tự động QR code. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh đang được thực hiện trên một số loại sản phẩm tại siêu thị Metro, Fivimart...

Đáng chú ý, Sở Công Thương đã phối hợp tích cực với UBND quận, huyện, thị xã xây dựng điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, hướng dẫn doanh nghiệp mở các điểm cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát; tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống, kiên quyết giải tỏa chợ tự phát, lấn chiếm lòng lề đường; kiểm soát chặt chẽ lò giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý và kiểm soát tốt thức ăn đường phố; phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương phát hiện, điều tra, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục được phép sử dụng.

(Theo HN Portal)

Top