Xử lý vi phạm đê điều chưa quyết liệt

28/06/2016 4:28 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch và giải pháp xử lý đối với từng loại hình vi phạm cũng như Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn thành phố nhưng thực tế, việc triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát ở các địa phương cũng như các cấp chưa thực sự quyết liệt.

Trồng cây vào hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi trên Sông Bùi, đoạn qua xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Tú Mai

Theo Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, với số lượng km đê các loại trên địa bàn thành phố lớn (trên 626 km được phân cấp), đi qua địa bàn của 29/30 quận, huyện, thị xã với 224 phường, xã, thị trấn ven đê (trong đó có 11 cấp xã có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ở bãi sông). Cùng với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế-xã hội sôi động tại các vùng ven đê, nhu cầu về vật liệu xây dựng, đất đai rất lớn… Trong khi đó việc tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê theo quy định của Luật đê điều chưa được thực hiện, đã dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP diễn ra phức tạp.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm gần đây không có báo động lũ đã nảy sinh tư tưởng chủ quan, một số cấp chính quyền xã, phường, quận, huyện coi việc xử lý, giải tỏa vi phạm chỉ là hình thức, không xử lý dứt điểm, vi phạm lại tái diễn.

Mặt khác, công tác quản lý trật tự xây dựng tại một số địa phương còn lỏng lẻo, việc ngăn chặn và xử lý, giải tỏa vi phạm chưa được chính quyền cơ sở thực sự quan tâm do còn có tư duy nhiệm kỳ, bầu cử, quan hệ họ hàng… dẫn đến tỷ lệ vi phạm được xử lý thấp, vi phạm tồn đọng nhiều.

Trên địa bàn 23 quận, huyện, thị xã có đê từ cấp III trở lên, địa bàn xảy ra nhiều vi phạm là các quận, huyện như: Ứng Hòa, hơn 1 nghìn vụ (chiếm 48,7%); Tây Hồ 124 vụ (chiếm 5,6%); Ba Vì 119 vụ, (chiếm 5,4%)… Trong đó, những vi phạm chủ yếu như tình trạng vi phạm xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ đê thuộc tuyến đê Tả Đáy, địa bàn huyện Ứng Hòa, tuyến đê Hữu Cầu, tả Cà Lồ, địa bàn huyện Sóc Sơn; tình trạng đổ đất, phế thải, dựng lều lán, lấn chiếm lòng sông, bãi sông, cản trở thoát lũ thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên…

Ngoài ra, tình trạng khai thác cát trái phép, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, xe quá tải lưu thông trên đê đã làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thoát lũ lòng sông. Trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố có 8 vị trí khai thác cát, trong đó 6 vị trí có phép, 2 vị trí không có giấy phép.

Tình trạng khai thác cát không phép, trái phép xảy ra nhiều tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh: huyện Phúc Thọ (giáp huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc của tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Phú Xuyên (giáp huyện Khoái Châu, Kim Động của tỉnh Hưng Yên… Ngoài ra, các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn TP Hà Nội và một số doanh nghiệp được cấp phép nạo vét luồng lạch, kết hợp tận thu sản phẩm rất khó kiểm soát.

Mặc dù có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc đôn đốc xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, tuy nhiên số vụ vi phạm được xử lý còn rất hạn chế. Tổng số vụ vi phạm pháp luật về đê điều phát sinh trên địa bàn TP từ năm 2010 đến hết tháng 5/2016 là 2.222 vụ. Trong đó, giải tỏa và xử lý được 586 vụ, vi phạm nhỏ lẻ loại bỏ sau rà soát là 27 vụ. Tổng số vụ vi phạm còn tồn đọng cần giải tỏa, xử lý trên toàn TP là hơn 1,6 nghìn vụ.

Trước tình trạng này, UBND TP đã ban hành kế hoạch và giải pháp xử lý đối với từng loại hình vi phạm pháp luật về đê điều. Đồng thời ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó đã có 24/27 quận, huyện, thị xã đã thành lập BCĐ, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hoàng Mai…

Tuy nhiên, phần lớn các quận huyện mới chỉ thành lập BCĐ, lập kế hoạch, tiến hành rà soát vi phạm nhưng chưa tổ chức ra quân xử lý, giải tỏa vi phạm hoặc có ra quân xử lý thì kết quả xử lý còn hạn chế. Tỷ lệ vi phạm được xử lý còn thấp, số vụ vi phạm tồn đọng còn nhiều do chính quyền một số quận huyện, xã phường chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn giải tỏa. Bên cạnh đó, cơ quan trực tiếp quản lý đê điều chưa phối hợp tốt với chính quyền và các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm, việc phân định trách nhiệm giữa chính quyền và các cơ quan quản lý đê điều tuy đã được quy định tại các văn bản pháp luật về kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm nhưng chưa được phân định và phối hợp tốt trên thực tế.

Tú Mai

Top