Xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng vi phạm giết mổ, an toàn thực phẩm

07/11/2018 11:33 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Chi cục Thú y đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm về giết mổ, vệ sinh đối gia súc, gia cầm, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, để bảo đảm cho công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, thì công tác thanh tra, kiểm tra được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thời gian qua, ngành Thú y Hà Nội đã phối hợp cùng Công an Hà Nội, Chi cục Quản lý Thị trường, đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra tại các quận huyện kiểm tra và xử lý những vi phạm trong công tác giết mổ, vệ sinh thú y, an tòa thực phẩm. Các trạm Thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh vi phạm trong công tác thú y. Kết quả từ đầu năm 2018 đến nay đã kiểm tra hơn 12,6 nghìn lượt cơ sở. Số trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý giảm 15,5%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực kiểm dịch, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Với tổng số tiền phạt lên tới hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngành chăn nuôi của thành phố có điều kiện phát triển cả về số lượng và chất lượng, nếu tính tổng đàn gia súc, gia cầm thì trong nhiều năm nay Hà Nội luôn đứng tốp đầu cả nước.Tỷ trọng chăn nuôi hiện chiếm  56% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hà Nội đã hình thành các xã chăn nuôi trọng điểm, các trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, là tiền đề tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi, điều kiện để đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp. Đến nay đã phát triển 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và 3.852 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Ngoài ra, với vị trí tiếp giáp nhiều tỉnh, thành phố nên công tác quản lý dịch bệnh động vật kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Có 988 cơ sở điểm giết mổ (trong đó 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp), hàng ngày kiểm soát trâu, bò 200 con; lợn gần 4 nghìn con, gia cầm 28 nghìn con. Có chợ đầu mối gia cầm lớn nhất nước tại Hà Vĩ (huyện Thường Tín) tiêu thụ khoảng 40-60 tấn gia cầm/ngày. Riêng cơ sở giết mổ lơn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày bình quân giết mổ từ 1.700-2.000 con, những ngày giáp Tết Nguyên Đán lên tới gần 2.600 – 2.900 con/ngày.

Bên cạnh đó, với hệ thống ngành Thú y cấp huyện khi Nhà nước có chủ trương sáp nhập với trạm Bảo vệ thực vật, trạm Khuyến nông (thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp) thì việc quản lý chuyên ngành sẽ gặp nhiều khó khăn nhất là chức năng quản lý Nhà nước về Thú y tại địa phương.

Vì vậy, việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm là vô cùng quan trọng. Mặc dù có nhiều khó khăn khi Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, địa bàn thành phố giáp với 8 tỉnh thành, có nhiều đường ra vào song công  tác kiểm dịch vận chuyển đã được thực hiện tốt. Từ đầu năm 2018 đã thực hiện kiểm tra hơn 30,3 nghìn lượt phương tiện vận chuyển đảm bảo kiểm dịch ra vào thành phố đúng quy định.

Trong quản lý hoạt động kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đến nay thành phố ban hành Quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Theo đó có 16 điểm giết mổ thuộc 7 huyện được bổ sung quy hoạch, gồm: Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Ứng Hòa, Mê Linh, Thị xã Sơn Tây. Nhờ vậy, xu thế giết mổ tập trung được các cấp chính quyền quan tâm, người chăn nuôi, người kinh doanh hoạt động giết mổ đồng thuận cao và đã có nhiều chuyển biến tích cực tăng trên 30 % so với cùng kỳ. Ngoài ra, Hà Nội cũng tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở An toàn bệnh gia súc gia cầm theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Riêng ngành Thú y đã và đang đề xuất xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại trong Chương trình khống chế bệnh Dại giai đoạn 2018-2021.

Hiện nay, ngành Thú y Hà Nội cũng đã và đang tập trung tham mưu UBND thành phố, Sở NN&PTNT thực hiện các giải pháp đồng bộ như xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, chính xác, sát thực tế. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra đôn đốc, tổng hợp báo cáo, đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, nhất là mạng lưới thú y xã phường, thôn bản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hi vọng với các giải pháp này trong thời gian tới sẽ hạn chế được nhiều hơn nữa các trường hợp vi phạm.

Thiện Tâm

Top