Xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch bệnh Covid-19

29/02/2020 4:08 PM

(Chinhphu.vn) – Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều nhóm hàng xuất khẩu có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu, 30% kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội. Do đó, kim ngạch xuất khẩu có thể bị chịu tác động.

Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp với mức độ đáng kế là 06 nhóm ngành gồm dệt may, da giầy, xuất khẩu nông sản, ngành sản xuất máy móc thiết bị, điện tử điện thoại và phương tiện vận tải, sản xuất gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ.

Ngành Dệt may hiện có khoảng 50% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và 10,2% từ Hàn Quốc, bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Các doanh nghiệp đang tìm nguồn nguyên liệu thay thế, nhưng không thể thay thế được 100% trong thời gian ngắn. Mặt khác, khi nguồn cung lớn của thế giới là Trung Quốc bị ảnh hưởng, giá thành nguyên liệu tăng khiến sức cạnh tranh bị giảm sút. Vì vậy, mức suy giảm của ngành này khoảng 30% với từng quý kéo dài dịch bệnh.

Ngành da giày có 27% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và 1,4% từ Hàn Quốc. Mức suy giảm của ngành này khoảng 20% với từng quý kéo dài dịch bệnh.

Nhóm ngành sản xuất máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải có 25% phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và 5,7% từ Hàn Quốc. Mức suy giảm của của nhóm ngành này khoảng 20% với từng quý kéo dài dịch bệnh.

Khi chưa có dịch, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị tác động mạnh do chính sách siết chặt quản lý của nước sở tại. Tỷ trọng hàng nông sản xuất sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã giảm (từ 9,8% năm 2015 còn 5,7% năm 2019). Khi có tác động của dịch bệnh, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục giảm; tuy nhiên, do tỷ trọng không cao nên tác động không lớn tới tổng kim ngạch xuất khẩu. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm từ 1,5%-2% với từng quý kéo dài dịch bệnh (xuất khẩu hàng nông sản 2 tháng đầu năm 2020 giảm 45% có nguyên nhân chủ yếu do thị trường lớn nhất là Philippines giảm trên 30%).

Nhóm sản xuất gỗ và nguyên liệu gỗ ít chịu ảnh hưởng hơn do tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc chỉ chiếm 5,8% và Hàn Quốc chỉ chiếm 0,3%. Dự kiến mức giảm của ngành này khoảng 2% với từng quý kéo dài dịch bệnh.

Nhóm các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình (gọi tắt là cơ sở CNNT) với năng lực tài chính và tổ chức sản xuất còn hạn chế sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp và gián tiếp trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, huy động lao động, chi phí, nguyên liệu sản xuất đầu vào,… Qua khảo sát nhanh một số cơ sở CNNT, có thể khái quát như sau:

Các mặt hàng có thị trường xuất khẩu vào các nước EU, Nhật, Mỹ đã có nhiều khách hàng truyền thống, nguồn nguyên liệu chủ yếu ở trong nước thuộc nhóm ngành: mây tre, giang, đan; lụa; thêu; gốm sứ mỹ nghệ; tính đến thời điểm hiện nay tình hình sản xuất cơ bản vẫn theo kế hoạch, tuy nhiên cũng sẽ bị tác động trong 2 đến 3 tháng tới do dự báo chi phí vận chuyển sẽ tăng, nguồn lao động khó tìm kiếm hơn do lo ngại dịch bệnh, các nước nhập khẩu tăng cường khâu kiểm soát thông quan, việc giao thương tìm kiếm thêm khách hàng mới bị hạn chế… Dự báo doanh thu các mặt hàng này sẽ giảm từ 10%-15%.

Các mặt hàng đang chịu tác động của dịch bệnh: ngành sơn mài, khảm trai, sừng mỹ nghệ, chế biến gỗ do nguồn nguyên liệu nhập từ Trung quốc và xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc,… nhiều đơn hàng hiện đã bị hủy; thậm chí một doanh nghiệp thuộc ngành hàng khảm trai, sừng mỹ nghệ đang tạm dừng sản xuất do khó khăn thị trường đầu ra. Bên cạnh đó do tác động của thị trường du lịch trong nước suy giảm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng bị ảnh hưởng do sức mua giảm sút. Dự báo doanh thu các mặt hàng này sẽ giảm 30%-40%.

Theo thông tin phản ánh từ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nguyên liệu phục vụ sản xuất chỉ có thể duy trì đến hết quý I/2020. Sau thời điểm này không có nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoặc giảm quy mô hoạt động.

Đối với việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế có những khó khăn nhất định.  Với 80% đơn hàng gia công, 100% nguyên phụ liệu đều do khách hàng chỉ định nhà cung cấp thì doanh nghiệp không thể tự quyết khi nguồn cung thiếu hụt. Trong trường hợp các doanh nghiệp có thể chủ động nguồn nguyên liệu mới (như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh,...) thì việc thay thế cũng không đơn giản vì giá thành cao hơn và mất thời gian đàm phán lại, sức cạnh tranh sẽ giảm.

Dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn biến rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Thành phố Hà Nội. Theo nhận định, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản bị ảnh hưởng (trực tiếp là lĩnh vực du lịch, xuất, nhập khẩu, lao động, các ngành sản xuất có đầu vào nguyên liệu từ các quốc gia này). Tuy nhiên, bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, vẫn có một số lĩnh vực có cơ hội để phát triển như: sản xuất thiết bị y tế, bảo hộ sức khỏe, dược phẩm,…

Các giải pháp được thành phố Hà Nội ưu tiên là kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh, kiên trì các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,  phát triển các ngành kinh tế, dịch vụ du lịch theo hướng kích cầu nội địa, tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, siêu thị, chợ đầu mối,…

Minh Anh

Top