‘Đòn bẩy’ giúp người dân thoát nghèo bền vững

17/11/2020 4:47 PM

(Chinhphu.vn) - Để “Không ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, công tác hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn TP. Hà Nội được triển khai đồng bộ bằng nhiều giải pháp. Sự đầu tư, hỗ trợ bằng vật chất của các cấp, các ngành và toàn xã hội chính là điểm tựa, đòn bẩy để những người nghèo có đủ năng lực, đủ điều kiện thoát nghèo bền vững.

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều nông dân thay đổi cuộc sống, phát triển sản xuất. Ảnh minh họa

Thời gian qua, việc triển khai giảm nghèo theo hướng đa chiều, bền vững đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tạo nên điểm tựa, giúp người nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Dù chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước nhưng công tác giảm nghèo của Hà Nội vẫn đạt kết quả khả quan, bảo đảm tính bền vững.

Trong giai đoạn 2016-2019, toàn Thành phố có hơn 67.000 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội giảm từ 3,64% vào đầu năm 2016, xuống còn 0,42% vào cuối năm 2019, về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Hiện, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo (trừ người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng tự thoát nghèo). Những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 7.565 nhà ở cho hộ nghèo.

Ngoài các chính sách đã triển khai, ngày 8/7/2019, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của TP. Hà Nội”. Mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này bằng mức chuẩn nghèo (1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn). Kinh phí để thực hiện Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm, được huy động từ nhiều nguồn.

Với chính sách người có công, giai đoạn 2016-2020, toàn Thành phố đã tiếp nhận, giải quyết chế độ ưu đãi cho 140.000 người có công; điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hơn 200.000 lượt người; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 10.000 nhà ở đối với hộ gia đình người có công... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng…Thành phố cũng chi trả trợ cấp hằng tháng đúng, đủ, kịp thời cho hơn 189.000 đối tượng bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng thường xuyên 2.600 người tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, Thành phố cấp thẻ BHYT miễn phí cho 1,14 triệu lượt người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ tiền điện, truyền hình kỹ thuật số, sữa học đường cho hộ nghèo; trợ cấp hằng tháng cho người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo; miễn phí xe buýt cho người từ 60 tuổi trở lên. Đặc biệt, đã hỗ trợ hơn 500.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, toàn Thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 75.000 lao động thuộc các đối tượng chính sách. Sau học nghề, 88,45% lao động có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng có thu nhập cao hơn. Cùng với công tác hỗ trợ đào tạo nghề, nhóm lao động đặc thù này còn được hỗ trợ về công cụ, phương tiện sản xuất và được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng số vốn vay gần 2.400 tỷ đồng.

Trợ giúp kịp thời các đối tượng yếu thế

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2025, toàn Thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75% đến 80%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55% đến 60%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở nước dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố.

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Đảng bộ Thành phố định hướng các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đơn vị chức năng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô…

Theo đó, các sở, ngành, đơn vị chức năng sẽ phối hợp, tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội, gắn chính sách an sinh xã hội với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về an sinh xã hội cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Với trách nhiệm được giao, toàn ngành cũng triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, hướng tới thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời, quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh; chủ động thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, để các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo theo sát nhu cầu của thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng được quan tâm đặc biệt, theo hướng gắn kết với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề.

Ngoài ra, Thành phố đặc biệt tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp kịp thời các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để người nào bị ở lại phía sau trên hành trình phát triển.

Bích Phương

Top