‘Trợ lực’ cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn

04/08/2020 3:50 PM

(Chinhphu.vn) – Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) phát triển khoa học công nghệ…

Ảnh minh họa

Theo Sở Công Thương Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, Sở đã thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực...

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Thủ đô giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì phối hợp các sở ngành thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với Đề án phát triển SPCNCL, Sở Công Thương đã tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm phối hợp các sở ngành tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Xây dựng website www.congnghiepchuluc-hanoi.gov.vn nhằm cung cấp thông tin về chương trình, quảng bá, giới thiệu SPCNCL và doanh nghiệp sản xuất SPCNCL. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.

Thực hiện Chương trình Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thành phố đã tổ chức 1.335 buổi tập huấn về kỹ năng lựa chọn sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình. Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm; xây dựng trên 40 bộ công cụ thính toán, dự báo các chỉ số chỉ tiêu hiệu quả năng lượng ứng dụng công nghệ 4.0; hướng dẫn trên 260 cơ sở sử dụng năng lượng tham gia đánh giá chỉ tiêu về hiệu suất năng lượng.

Thực hiện Kế hoạch Hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức phổ biến áp dụng sản xuất sạch hơn cho trên 7.500 đại biểu là cán bộ quản lý, phụ trách kỹ thuật của các cơ sở sản xuất. Hỗ trợ tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn cho 120 cơ sở sản xuất công nghiệp, với trên 600 giải pháp sản xuất sạch hơn. Thành phố đã xây dựng thí điểm được 6 chuỗi kết nối mạng lưới từ sản xuất, phân phối và người tiêu dùng với sự tham gia của 211 doanh nghiệp trên địa bàn…

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ

Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về khuyến công, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển SPCNCL.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình Khuyến công sẽ hỗ trợ trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5%-8%/năm, năm 2025 đạt kim ngạch trên 550 triệu USD; tạo ra khoảng 2.000 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu.

Với Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0 tổng tiêu thụ năng lượng. Bảo đảm 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.

Đối với Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, Hà Nội phấn đấu giảm 5%-8% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, khuyến khích phân phối tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm được dán nhãn sinh thái.

Cùng với đó, Chương trình Phát triển SPCNCL sẽ thu hút sự tham gia của 100-120 doanh nghiệp với khoảng 150-180 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội công nhận SPCNCL Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; ứng dụng công nghệ số 4.0 đển triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong các chương trình kế hoạch năm và giai đoạn.

Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác truyền nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, bao bì đa dạng hóa sản phẩm.

Hỗ  trợ kỹ thuật tài chính đối với các hoạt động sản xuất chế tạo, cải tạo chuyển đổi về hiệu suất năng lượng trong sử dụng máy móc, dây chuyền sản xuất, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, hộ gia đình; phát triển công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại đầu tư.

Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu theo chuỗi vòng đời sản phẩm; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải; phổ biến áp dụng mua sắm bền vững đối với các sản phẩm thân thiện môi trường phù hợp quy định trong nước và quốc tế.

Diệu Anh

Top