“Đôi bàn tay vàng” tạo nên những bức tượng đồng có hồn

20/08/2018 5:04 PM

(Chinhphu.vn) - Được gọi là “Ông vua đồ đồng”, nghệ nhân Lê Khang (76 tuổi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có gần 60 năm trong nghề đúc đồng truyền thống. Ông đã từng đạt những danh hiệu cao quý bởi đôi bàn tay khéo léo, làm nên những kiệt tác, những bức tượng có “thần” từ chất liệu đồng.

Nghệ nhân Lê Khang. Ảnh: Thành Nam

Vào một buổi chiều cuối hè, chúng tôi có dịp đến nhà nghệ nhân Lê Khang để nghe ông kể về những bức tượng đồng, những kiệt tác như bức tượng bán thân Bác Hồ đặt ở vị trí trang trọng nhất của Văn phòng Chính phủ, rồi trên dưới 20 pho tượng nhân vật nổi tiếng khác nhau ở Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, tượng Phật Adiđà phát quang 7 màu tự nhiên đặt ở Thiền viện Trúc lâm Yên Tử… những tuyệt tác đó đều được khắc tạc dưới bàn tay nghệ nhân Lê Khang.

Cả khu phố Hàng Khoai dường như đã quen thuộc với hình ảnh những nhóm khách, người dân đến hỏi nhà của ông “Khang đồ đồng”. Chả thế mà mới dắt xe đến đầu con ngõ nhỏ số 82 phố Hàng Khoai, hỏi thăm nhà ông Khang, chúng tôi đã được các bà, các bác tận tình chỉ nhà. Căn nhà nhỏ của ông như một bảo tàng cổ vật tư nhân với rất nhiều tranh, tượng, tác phẩm nghệ thuật bằng đồng với đủ kích cỡ, kiểu dáng.

Dưới bàn tay tài hoa của ông, những vật dụng tưởng chừng chỉ còn là kỷ niệm một thời đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị thẩm mỹ cao. Say sưa ngắm các tác phẩm vô cùng đẹp mắt và tinh tế như bức treo tường Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng; Cúc, Trúc, Mai, Lan, hay "Ngư tiều canh mục", "Lưỡng long chầu nguyệt"… Nếu không được nghe ông giới thiệu thì khó có thể biết được rằng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo đó được ông làm từ những chiếc mâm đồng đã bán cho đồng nát.

Ông kể, trước đây chiếc mâm đồng trong văn hóa dân gian có nhiều ý nghĩa, thể hiện sự giàu sang của gia chủ, nhưng sau đó do mâm đồng ít được sử dụng nên bị bán cho đồng nát. Ông đã mua những mâm cũ đó về phục chế thành những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã đến nhờ ông chạm vào mâm đồng những bài thơ hay làm kỷ vật của gia đình. Nghệ nhân Lê Khang cũng đã chuyển thành công 17 tác phẩm của các nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam từ chất liệu thạch cao sang chất liệu đồng.

Ông Khang chia sẻ, muốn tạc được bức tượng thành công người thợ phải hiểu lai lịch, cuộc đời, sự nghiệp người được tạc, đồng thời phải để ý đến cái nhân chung, sơn căn, địa các, lưỡng quyền… tất cả đều có ngôn ngữ của nó. Bên cạnh đó người thợ còn phải dùng đến thuật lý tướng số để phục vụ cho đường nét của bàn tay. Bất kỳ một đường nét nhỏ, một dấu phẩy là một nét nhấn của nhà điêu khắc.

Căn nhà nhỏ của ông trưng bày rất nhiều bức tượng Lý Công Uẩn, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khuê Văn Các... với kích thước rất nhỏ. “Bức tượng càng nhỏ thì đường nét càng phải tỉ mỉ, vì thế mà càng khó hơn cho người tạc”, ông Khang cho biết. Từ một chuyên gia chuyên tạc những bức tượng trên 3 tấn, ông Khang chuyển sang làm những bức nhỏ với ý tưởng giới thiệu tinh hóa văn hóa và lịch sử Hà Nội. Đồng thời để nghệ thuật đúc đồng được cải tiến, để những tác phẩm tượng đồng đến với đông đảo mọi người, mọi nhà hơn.

Độc đáo nhất trong số đó là những tác phẩm là biểu tượng văn hoá của Thủ đô như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, Tháp Rùa… hay chân dung những danh nhân như Lý Thái Tổ, Nguyễn Du, Văn Cao… tất cả chỉ cao vài cm. Bất kỳ ai am hiểu về nghề đúc đồng đều hiểu rõ để làm nên những tác phẩm thu nhỏ tinh xảo như vậy rất kỳ công cả về nghệ thuật lẫn kỹ thuật đúc đồng. Vì những tác phẩm càng nhỏ, đặc biệt là tượng về các danh nhân thì việc thể hiện những chi tiết trên tác phẩm, nhất là thần thái của nhân vật càng khó, đòi hỏi sự tinh tế về tay nghề rất cao.

Đơn cử như bức tượng Vua Lý Thái Tổ chỉ cao vài cm, song toàn bộ khuôn mặt vẫn toát lên được phong thái của một đấng quân vương. Để có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có “hồn” như vậy, phải mất rất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi các kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật thủ công truyền thống, tự trang bị cho mình những kiến thức về văn hóa, lịch sử, văn hóa dân gian, hội họa và cả về tâm linh, tướng mạo con người để những bức tượng toát lên được tầm vóc, diện mạo, thần thái, tính cách nhân vật, cả dấu ấn thời đại và sự âm vang của thời gian năm tháng…

Với những đóng góp có giá trị, nghệ nhân Lê Khang vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như Huy chương vàng Triển lãm quốc tế hàng Thủ công mỹ nghệ năm 1994; giải thưởng “Bàn tay vàng” của Chương trình nghệ thuật Đông Dương và của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 1995; năm 2003, UBND TP. Hà Nội đã phong tặng cho ông danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, “đôi bàn tay vàng” của nghệ nhân Lê Khang vẫn không ngơi nghỉ, vẫn cần mẫn bên từng tác phẩm, tạo ra nét đẹp cho đời.

Thành Nam

Top