“Đổi đời” nhờ lúa hàng hóa

28/03/2016 2:00 PM

(Chinhphu.vn) – Ở miền Bắc, Hà Nội không phải là nơi có diện tích đất nông nghiệp quá rộng để trồng lúa lấy sản lượng như nhiều địa phương khác như Nam Định, Thái Bình. Tuy nhiên, hướng sản xuất lúa hàng hóa tập trung vào các giống chất lượng cao đã đem lại lợi nhuận đáng kể cho người trồng lúa Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (ở giữa) thăm lúa hàng hóa tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Hương

Trồng lúa ở Tam Hưng

Tam Hưng là một xã thuần nông của huyện Thanh Oai nên đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, xã xác định cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác. 

Vào khoảng năm 2010, Sở NN&PTNT Hà Nội đã bắt tay vào xây dựng đề án lúa hàng hóa theo hướng canh tác những giống lúa chất lượng cao đưa đến hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với các giống lúa thường. Tại xã Tam Hưng, vào năm 2011, Sở NN&PTNT Hà Nội đã  đưa vào 100ha sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giống lúa Bắc thơm số 7, từ đó đến nay diện tích lúa hàng hóa của xã đều tăng năm sau cao hơn năm trước.

Đặc biệt, từ năm 2014 xã Tam Hưng đã tập trung xây dựng thương hiệu "Gạo thơm Bối Khê" cho sản phẩm gạo của xã Tam Hưng. Trong dòng sản phẩm Gạo Bối Khê đáng chú ý hơn cả là giống lúa Bắc thơm số 7 và Nếp cái hoa vàng.

Gạo Bắc thơm số 7 có đặc điểm hạt gạo nhỏ dài, màu trắng, dẻo nhiều, có độ dính. Khi nấu lên có mùi thơm ngọt, cơm để nguội vẫn giữ được độ dẻo và mùi thơm, khi ăn có vị đậm đà. Nếp cái hoa vàng là một giống lúa đặc sản, chất lượng cao, được chọn lọc từ giống lúa nếp của địa phương. Nếp cái hoa vàng chỉ được trồng vào vụ Mùa, khoảng từ tháng 5 – 10 Âm lịch.

Nếp được gọi là nếp cái hoa vàng do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác. Khi nấu lên, hạt gạo vẫn đầy tròn, không vỡ, mùi thơm dịu nhẹ, xôi dẻo, ăn lại đậm đà. Gạo nếp cái hoa vàng được chế biến thành nhiều món như xôi, bánh chưng, nấu rượu. Bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng thường để được lâu mà không bị cứng hay thiu, mốc. Rượu được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng uống rất êm, ngọt và có mùi thơm đặc trưng… Chính vì thế, gạo thơm của xã Tam Hưng luôn được người tiêu dùng đánh giá cao.

Đến nay, diện tích canh tác lúa hàng hóa chiếm khoảng 70 - 80% diện tích đất nông nghiệp của xã, cho năng suất 11 - 12 tấn/ha/năm, thu nhập cao hơn so với giống lúa thường 20 - 25% giá trị về kinh tế. Xã đã mạnh dạn đưa vào cấy thử nghiệm 50ha giống lúa nếp cái hoa vàng, sau 4 vụ cho thấy giống lúa nếp cái hoa vàng không chỉ cho năng suất đạt từ 52 đến 55 tạ/ha/vụ mà còn có giá trị kinh tế cao hơn giống lúa thường.

Theo thống kê của huyện Thanh Oai, thu nhập bình quân của người trồng lúa ở Tam Hưng trung bình từ 80 đến 85 triệu đồng/ha/vụ.

Kết nối thị trường

Cũng giống như nhiều mặt hàng nông sản khác khi được giá thì thường người dân sẽ trồng vụ sau nhiều hơn vụ trước. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, với sản lượng lương thực sản xuất ra hàng năm từ 8.000 đến 8.500 tấn nhưng địa phương mới tiêu thụ được khoảng 30-35% nên còn dư thừa một khối lượng lớn lương thực (4.000 - 4.500 tấn) cần phải tiêu thụ ra thị trường.

Việc dư thừa hàng hóa này nếu không được giải quyết nhanh chóng sẽ khiến lúa hàng hóa mất giá, người nông dân nảy sinh tâm lý không mặn mà với cây trồng này và sẽ tự chuyển đổi. Để đồng hành và giúp đỡ nông dân trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm và phát huy những giá trị của nhãn hiệu "Gạo thơm Bối Khê", năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội phối hợp xã Tam Hưng cũng như với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố để từng bước đưa sản phẩm gạo tiếp cận với các hệ thống siêu thị Fivimart, các cửa hàng phân phối nông sản thực phẩm an toàn nhằm quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa đến với người tiêu dùng Thủ đô cũng như người dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết: Để giúp nông dân Thanh Oai tiêu thụ lúa gạo, trung tâm đã tổ chức khâu nối, liên kết các doanh nghiệp, siêu thị với chính quyền địa phương, nông dân tham gia ký kết tiêu thụ gạo. Trước mắt sẽ đưa gạo tiếp cận với hệ thống siêu thị Fivimart và cửa hàng phân phối nông sản thực phẩm an toàn nhằm quảng bá sản phẩm rộng rãi đến với người tiêu dùng Thủ đô. Về lâu dài sẽ xây dựng chiến lược quảng bá, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trong chuỗi sản xuất lúa gạo của huyện Thanh Oai.

Theo Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tam Hưng (Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu sử dụng lương thực chất lượng cao ngày càng tăng của người tiêu dùng Thủ đô, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, địa phương đã đưa các giống lúa chất cao vào sản xuất". Xã Tam Hưng có khoảng 730ha canh tác lúa thì hơn 500ha cấy Bắc thơm số 7, 150ha lúa nếp cái hoa vàng, diện tích còn lại cấy các giống như: Thiên ưu, TRV…

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, nhìn thấy lợi ích to lớn từ sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn nên nhiều xã như: Thanh Văn, Thanh Thùy, Mỹ Hưng, Kim Bài… đã không ngừng mở rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao. Sau 5 năm thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, đến nay, Thanh Oai đã mở rộng diện tích lên tới 9.200ha, chiếm 68,3% diện tích canh tác lúa.

Đỗ Hương

Top