“Học theo Bác, cần có tâm thế tốt, hiểu cho đúng, vận dụng cho phù hợp”

23/08/2019 3:28 PM

(Chinhphu.vn) – Theo Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), để học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt, không mắc phải căn bệnh hình thức, giáo điều, cần phải có tâm thế tốt, hiểu cho đúng và vận dụng cho phù hợp.

GS.TS Mạch Quang Thắng

Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong giai đoạn hiện nay.

Theo GS. Mạch Quang Thắng, cuộc vận động này là sự tiếp nối các cuộc vận động trong các khóa Đại hội Đảng trước nhưng phạm vi nội dung rộng hơn, bao gồm cả “bộ ba”: tư tưởng; đạo đức; phong cách Hồ Chí Minh.

Thực tế việc triển khai các cuộc vận động, nhất là lần này có sự chuyển biến tích cực trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Từ đó thấy rằng, ý nghĩa của cuộc vận động này rất lớn, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

“Sự nghiệp cách mạng của nước ta, tuy có nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chứ không phải như những thế lực thù địch đã ra sức phủ nhận và xuyên tạc”, GS. Mạch Quang Thắng nói.

Học tập và làm theo tư tưởng của Bác là nhu cầu thiết thân hằng ngày

Trao đổi về việc làm sao để học tập theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh không chỉ dành cho đảng viên và không chỉ là hô hào hình thức, giáo điều, GS. Mạch Văn Thắng nhấn mạnh, cần phải có tâm thế tốt, hiểu cho đúng và vận dụng cho phù hợp.

Tâm thế là toàn bộ thái độ, tâm lý của con người khi đứng trước một sự việc nào đó và nó có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến kết quả hành động của con người. Có thể nêu lên hai tâm thế đối lập nhau: Một là tâm thế chủ động, tích cực; hai là tâm thế bị động, tiêu cực. Người nào có tâm thế chủ động, tích cực thì khi ứng xử (đối với người, đối với việc, đối với bản thân mình – theo cách phân loại ứng xử của Hồ Chí Minh) sẽ đạt được kết quả tốt. Tự bản thân mình thấy rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhu cầu thiết thân hằng ngày, như con người cần có nước uống, cần có cơm ăn, cần có dưỡng khí để thở, nếu đạt được tâm thế như vậy thì mới thu được kết quả tốt. Ngược lại, người nào mà có tâm thế bị động, thụ động, tiêu cực thì khó hoặc không thể nào đạt được kết quả tốt.

““Hiểu cho đúng” thật không đơn giản. Muốn hiểu cho đúng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì phải thấu hiểu bản chất của vấn đề chứ không phải biến những quan điểm của Hồ Chí Minh thành những công thức, kinh viện. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chỉ sống động khi chúng được vận dụng có hiệu quả trong cuộc sống theo phương châm mà chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên năm 1946: Dĩ bất biến ứng vạn biến”, GS Mạch Quang Thắng chỉ rõ.

Cũng giống như chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được vận dụng một cách phù hợp với tình hình thực tế. Cái còn lại vĩnh viễn của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở bản chất vấn đề chứ không chỉ nằm trong hành vi, bởi vì hành vi chỉ là cái cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp ở lúc này mà có thể không phù hợp ở lúc khác. “Hoàn cảnh hiện nay có nhiều điều khác với thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh sống. Nhưng, khác gì thì khác, bản chất vấn đề vẫn bất biến. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giầu vật chất, mạnh tinh thần.”, GS. Mạch Quang Thắng nhấn mạnh.

Chúng ta hiểu rằng, nếu không Cần thì không có nhiều của cải; nếu không Kiệm thì hoang phí của cải, không dành được nhiều cho tái đầu tư; nếu không Liêm thì không thể trong sạch; nếu không Chính thì không thể làm được việc tốt, điều thiện, không thể phòng và chống được việc xấu, điều ác.

“Làm được điều này có khó không?”, theo GS. Mạch Quang Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khó hay dễ là do mình quan niệm mà thôi, cho nó là dễ thì là dễ, cho nó khó thì là khó. Nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khó mấy nếu kiên trì, quyết tâm thì vẫn làm được. Thế cho nên, tại tỉnh Bắc Cạn trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với thanh niên xung phong: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.

Thời nào cũng vậy, con người sống bao giờ cũng bị “bủa vây” bởi danh lợi, dục vọng. Nay, điều này càng rõ hơn. Theo GS. Mạch Quang Thắng, đừng đổ cho cơ chế, đổ cho hoàn cảnh. Mỗi người hãy hướng nội với nghĩa là “tiên trách kỷ”, tự rèn luyện, luôn tự răn mình, tự làm chủ bản thân mình. Được như thế thì cán bộ, đảng viên và những người trẻ tuổi đều có thể trở thành những người vừa có đức vừa có tài, có ích cho đất nước.

Giá trị của Di chúc vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về điều này. Cuộc sống thanh bạch, giản dị, lành mạnh, cần kiệm liêm chính của Người trở thành nếp, thành lối sống hằng ngày như cơm ăn nước uống, như khí thở, không chút gượng gạo. Rèn và luyện đến mức thành nếp như thế vì Chủ tịch Hồ Chí Minh ngộ được lẽ phải và có quyết chí, quyết tâm thực hiện theo lẽ phải. Tiền bạc, vật chất và nói chung các loại dục vọng khác, nếu không chế ngự được chúng, thì rất dễ bị tha hóa, hủ bại, mất tư cách làm người bình thường chứ chưa nói đến tư cách của người cán bộ, đảng viên, tư cách công chức, viên chức của chế độ ta. Cứ nhìn vào gương sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúng ta thấy rõ những điều thiện, điều tốt và những ai còn có lương tri đều khát khao vươn tới đạt được những giá trị trong cái đức dày, tâm lành, trí sáng của Người.

50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phải luôn coi lời dạy của Bác là kim chỉ nam cho con đường sự nghiệp của mình, không bị cám dỗ vật chất làm mất đi chữ “liêm” là cốt lõi phẩm chất của con người.

GS. Mạch Quang Thắng cho biết, ở thời điểm 50 năm nhìn lại quá trình thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có lẽ mọi người Việt Nam yêu nước đều tự cảm nhận được những điều đã làm được và những điều còn “nợ” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo GS. Mạch Quang Thắng, hãy luôn luôn sống vì điều tốt. Nghĩa là hằng ngày hãy nghĩ và làm vì điều thiện.

“Tháng 5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo FRÈRES D’ARMES:

– Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

– Trả lời: Điều ác

– Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất?

– Trả lời: Điều thiện.”

Trích dẫn cuộc đối thoại trên, GS. Mạch Quang Thắng cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời rất ngắn gọn, ngôn ngữ tối thiểu nhưng hàm chứa nội dung tối đa về nhân cách cao đẹp của con người.

Qua đó, cho thấy chúng ta hãy làm thật tốt theo đúng chức trách của mình. Nếu là công dân thì hãy thực hiện thật tốt pháp luật. Nếu là đảng viên thì ngoài việc thực hiện tốt pháp luật như một công dân gương mẫu còn phải thực hiện tốt Điều lệ, các quy định của tổ chức Đảng. Nếu là công chức, viên chức thì hãy thực hiện tốt trách nhiệm công vụ…

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đừng quan niệm là những gì quá to tát, “đại sự”, mà phải đạt được những điều tốt rất cụ thể và xin đừng coi những điều tốt đó là nhỏ.

GS. Mạch Quang Thắng nói: “Mỗi ngày làm được 1 việc tốt hoặc trong gia đình, ở cơ quan…, mỗi tuần lễ sẽ có 7 việc tốt, một tháng sẽ có 30 việc tốt, một năm có 365 việc tốt. Cứ thế, cứ thế, lòng dặn lòng đừng làm điều gì xấu thì tôi tin chúng ta đã thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi!”.

Minh Anh

Top