“Không để tái đàn là tái dịch!”

27/11/2019 6:42 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội có tổng đàn lợn lớn thứ hai cả nước (sau Đồng Nai) với 1,8 triệu con. Hà Nội là địa phương cũng bị ảnh hưởng khá lớn với Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Qua một năm chống dịch, Hà Nội đã có nhiều bài học quý giá trong công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội - Ảnh: Đỗ Hương

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Xin ông cập nhật tình hình DTLCP đang diễn biến trên địa bàn thủ đô, đặc biệt là việc cấp ngân sách cho tiêu hủy đã lên đến cả ngàn tỷ đồng?

Ông Nguyễn Huy Đăng: Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về chăn nuôi. Cụ thể, trước khi có DTLCP, Hà Nội có 1,8 triệu con lợn, chỉ đứng sau Đồng Nai. 10 năm nay, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra dịch lớn với vật nuôi. Dịch rất nguy hiểm, không có vắc xin, chỉ có chăn nuôi an toàn sinh học mới đảm bảo.

Tại Hà Nội, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện chiếm khoảng 60% nên nguy cơ mắc DTLCP là rất lớn. Từ ngày 24/2, DTLCP xảy ra tại một hộ ở Long Biên với 24 con lợn rừng, sau đó lan rộng ra các địa phương. Qua 10 tháng phòng chống dịch, xét về thiệt hại, lượng tiêu hủy lợn mắc dịch chiếm khoảng 30% tổng đàn. Các hộ có dịch hiện chiếm khoảng 40% tổng số hộ. Chi phí tiêu hủy khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Xét giá trị so với các tỉnh thì lớn nhưng so với tổng đàn thì không lớn. Một số tỉnh, số hộ bị rất nhiều, tiêu hủy trên tổng đàn là lớn.

Hiện nay, Hà Nội chỉ có 113 xã bị tái dịch trở lại. Dịch tái phát số lượng cũng rất nhỏ. Ví dụ, một xã chỉ có 3-5 hộ, số con ở mỗi hộ chỉ 10-20 con, chứ không như trước kia, bùng phát cao điểm vào tháng 5, 6. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường vệ sinh tiêu độc, hướng dẫn trang trại, doanh nghiệp làm tốt công tác an toàn sinh học. Với hộ nuôi, nếu muốn tái đàn thì phải qua 30 ngày xã đó không có dịch, khai báo chính quyền trước khi đưa vật nuôi vào nuôi. Nếu không khai báo thì khi có dịch sẽ không được hỗ trợ và còn bị xử phạt hành chính.

Đối với Hà Nội, đánh giá thực tế, số lợn bị ảnh hưởng DTLCP và số thiếu hụt so với nhu cầu cung cầu như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Đăng: Với Hà Nội, thịt lợn chiếm khẩu phần cơ bản trong bữa ăn. Khi chưa có dịch, 1 ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 900-1.000 tấn thịt các loại, trong đó thịt lợn chiếm 60-65%, khoảng hơn 600 tấn. So về tổng đàn, Hà Nội không bị thiệt hại nhiều như các tỉnh. Hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi lợn, trang trại lớn đều tránh được, chủ yếu hộ nhỏ lẻ bị dịch.

Chúng tôi dã làm việc với doanh nghiệp, HTX nên tăng thời gian chăn nuôi. Ví dụ, chúng tôi đã làm việc với Công ty CP có hướng là không bán lợn, kéo dài thời gian, nuôi 3 tháng thì lên 4 tháng. Con lợn xuất chuồng trước đây có cân nặng khoảng 1-1,1 tạ thì nay lên 1,4-1,5 tạ. Một con giống nhưng năng suất nhiều hơn. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất giống cũng được khuyến khích gắn luôn với chăn nuôi thương phẩm.

Với các hộ thì thực hiện đúng qua 30 ngày dịch mới được tái đàn. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kết hợp với các tỉnh trong cả nước. Hiện nay, 1 ngày 1 lò mổ ở Vạn Phúc mổ khoảng 2.000-2.200 con lợn nhưng lợn chủ yếu từ các tỉnh Đồng Nai, Hà Tĩnh… đưa ra. Xung quanh 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng, chúng tôi đều có phối hợp để đưa lợn về bán trên địa bàn Hà Nội, có kiểm soát.

Từ năm 2013, chúng tôi tham mưu cho thành phố phương hướng tái cơ cấu, không tập trung chính vào sản xuất thực phẩm vì giá cao mà Hà Nội chỉ tập trung vào sản xuất con giống và bán cho các tỉnh. Sau đó, các tỉnh nuôi thương phẩm và đưa về Hà Nội. Hà Nội tập trung nuôi các loại không gây ô nhiễm nhiều như gia cầm, thủy sản…

Trước khi có dịch tả lợn, Hà Nội có tổng cộng 19 triệu con gia cầm nhưng hiện nay đã tăng lên 21 triệu con gia cầm. Trong 10 tháng tăng lên thêm 2 triệu con. Người dân tập trung nuôi gà màu, thả đồi thả vườn. Thế mạnh nữa là nuôi vịt. Thịt lợn mùa hè giảm, nhu cầu thịt vịt nhiều. Đàn vịt của Hà Nội đã tăng từ 5 triệu con lên hơn 6 triệu con.

Thiếu thịt lợn thời gian tới dự báo cũng không trầm trọng như các tỉnh bởi Tết thì 40-50% là về quê.

Người chăn nuôi vẫn luôn phân vân về thời điểm tái đàn, Hà Nội chỉ đạo việc này như thế nào? Theo ông cần những điều kiện gì để tái đàn lứa mới được an toàn?

Ông Nguyễn Huy Đăng: Hiện nay Hà Nội đã thiệt hại 30% tổng đàn lợn. Giá cao như hiện nay là do các hộ, trang trại đều muốn tài đàn nhưng không thể bởi nguy cơ tái đàn là tái dịch. Thành phố có chỉ đạo các quận, huyện, xã nếu tái đàn thì phải thực hiện đúng quy định của Bộ NN&PTNT, đồng thời phải báo cáo chính quyền. Lợn phải rõ nguồn gốc, nếu lợn từ tỉnh khác phải có kiểm dịch.

Vừa qua chúng tôi có kiểm tra, hiện nay toàn thành phố có khoảng 3.500 hộ đã tái đàn với 290.000 con. Trong đó, có 196 hộ tái đàn mà không khai báo với 7.532 con lợn con. Với các hộ này phải làm cam kết nếu có dịch thì không được hỗ trợ, đồng thời bị xử phạt. Kinh nghiệm là tái đàn cũng nên kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh. Nếu cho tái đàn ồ ạt gây tái phát dịch thì còn nguy hiểm hơn.

Hà Nội cũng như các tỉnh, khi có dịch đều thành lập ban chỉ đạo. Phó chủ tịch thường trực tỉnh làm Trưởng ban. Ở huyện là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thường trực huyện là Trưởng ban. Xã thì chủ tịch xã là Trưởng ban. Khi có hộ chăn nuôi bị dịch, hộ sẽ khai báo hoặc không khai báo thì khi cơ quan thú y phát hiện, sẽ yêu cầu gia đình tiêu hủy.

Có một số trường hợp phát hiện trục lợi, ban chỉ đạo sẽ yêu cầu xử lý ngay. Có trang trại có 100-200 con, đã được hỗ trợ rồi nhưng dịch hết chưa đủ 30 ngày đã mua giống về nuôi dẫn tới tái dịch phải tiêu hủy. Những hộ đấy vẫn phải tiêu hủy và không được hỗ trợ, tránh tình trạng trục lợi.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

Top