“Thuốc trị” các vi phạm của phòng khám tư nhân!

21/03/2017 6:00 PM

(Chinhphu.vn) – Sau sự việc một sản phụ bị chết não khi khám tại Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội (Thanh Trì, Hà Nội) – một phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, thì các cơ quan chức năng mới ráo riết kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm ở những phòng khám tư nhân trên địa bàn Thủ đô.

Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội - nơi xảy ra vụ sản phụ bị chết não sau khi khám, đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần.

Cố tình vi phạm các quy định

Mặc dù đã có quy trình cấp phép hoạt động cho các phòng khám tư nhân, tuy nhiên mỗi lần thanh kiểm tra, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện hàng loạt sai phạm, thậm chí có sai phạm tái diễn nhiều lần tại một phòng khám.

Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động của phòng khám đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vì nhiều sai phạm. Trong đó, đoàn phát hiện phòng khám thực hiện một số kỹ thuật không nằm trong danh mục kỹ thuật đăng ký và được phê duyệt; Phòng khám không được phép lưu người bệnh quá 24 giờ, nhưng tại thời điểm kiểm tra có người bệnh điều trị tại phòng khám từ trước đó 3 ngày…

Phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt BIOTIS tại địa chỉ B002, tầng 1 The Manor Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cũng bị đình chỉ hoạt động, vì tại thời điểm kiểm tra, phòng khám có niêm yết giá dịch vụ X-quang, kỹ thuật Implant, nhưng hai dịch vụ này đều không được cấp phép; một phòng chụp phim X-quang không có trong biên bản thẩm định, phát hiện hộp chống sốc có một số thuốc hết hạn sử dụng…

Trước đó, tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội - nơi xảy ra vụ sản phụ bị chết não sau khi khám, cũng bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, Phòng khám này bị xử phạt tới 6 lần. Bác sĩ người Trung Quốc (Trịnh Túc Vinh) tại Phòng khám này cũng đã từng bị tước giấy phép hành nghề 12 tháng. Tuy nhiên, chỉ đến khi xảy ra sự cố đáng tiếc như trên, Phòng khám mới bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, trong số 30 cơ sở y tế tư nhân thanh tra, xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền 273 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 3 cơ sở, thu Giấy phép hoạt động 1 cơ sở và tước chứng chỉ hành nghề của 1 bác sĩ.

Siết tình trạng “nhờn luật”

Trên địa bàn Hà Nội, hiện có hơn 3.215 phòng khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập. Sau các lần thanh kiểm tra hàng năm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, các lỗi vi phạm hành chính mà các phòng khám, chữa bệnh ngoài công lập vi phạm như: không niêm yết công khai bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh; không bảo đảm điều kiện nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (dịch vụ đặc biệt) mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; có cơ sở còn vi phạm bán thuốc cho người bệnh...

Thậm chí, có những trường hợp bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc và thủ thuật thông thường, nhưng phòng khám lại “vẽ” ra các dịch vụ khác để thu tiền của bệnh nhân, hoặc đưa ra liệu trình điều trị dài ngày...

“Như trường hợp thai phụ Trần Thị Thu Tr. (29 tuổi, Quảng Ninh), khi khám và điều trị phụ khoa chỉ cần kê đơn về tự đặt thuốc, nhưng để thu tiền của bệnh nhân, PK 168 Hà Nội đã chỉ định bệnh nhân sử dụng dịch vụ khí dung …” đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Được biết, sau sự cố này, Sở Y tế Hà Nội đã bắt đầu đợt tổng kiểm tra các phòng khám trên địa bàn. Trong đó, Sở đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra tất cả các phòng khám có yếu tố nước ngoài và xử phạt theo quy định.

Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng “nhờn luật” khi xử lý các vi phạm, đại diện Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, khi các phòng khám vi phạm quy chế chuyên môn sẽ xử lý mạnh, nếu tái phạm thì đóng cửa, thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động… Hy vọng, khi dự thảo Thông tư này đi vào cuộc sống, sẽ hạn chế tối đa các phòng khám ngoài công lập vi phạm, nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh.

Ở khía cạnh khác, ngành Y tế và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người bệnh biết bảo vệ chính mình. Chẳng hạn, trong quá trình điều trị, người bệnh không nên chấp nhận việc điều trị nửa chừng rồi gợi ý điều trị thêm bệnh phát sinh hoặc hồ sơ bệnh án, đơn thuốc phải yêu cầu thể hiện bằng tiếng Việt…

Hiền Minh

Top