10 thành tựu nổi bật của Thủ đô

01/11/2015 10:03 AM

(Chinhphu.vn) - Trong giai đoạn 2010 - 2015, vượt qua những khó khăn, thách thức, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu trên mọi mặt phát triển, Đảng bộ Thủ đô vững mạnh có những đóng góp lớn vào thành tựu chung của cả nước, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

 

 

 Phó bí Thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo báo cáo tại Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội khoá XVI - Ảnh Huy Anh

Sáng 1/11, báo cáo tại Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội khoá XVI, Phó bí Thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhận định, trong 5 năm qua diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh chóng theo hướng ngày càng khang trang và khởi sắc. Sự ổn định và phát triển của thành phố Hà Nội 5 năm qua đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

Hà Nội đã phát huy ngày càng tốt hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Kinh tế Thủ đô được đánh giá tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 54%, công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5% và nông nghiệp là 4,5%; các nhóm ngành đều có mức tăng trưởng khá:

Các ngành dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao có mức tăng trưởng cao hơn so với toàn ngành. Du lịch phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp - xây dựng được phục hồi, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 5 năm ước tăng 9%. Bước đầu hình thành một số khu công nghệ cao hoạt động hiệu quả; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin phát triển mạnh. Ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, bình quân ước tăng 2,4%/năm, cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra,

Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển và có sự biến đổi tích cực về tỷ trọng: kinh tế nhà nước khoảng 43,6%; kinh tế ngoài nhà nước 38,9%; kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 16,5%. Cơ bản hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến tiến bộ rõ rệt. Thành phố đã tập trung hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực, cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh.

 

 

 Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị ở Hà Nội có sự phát triển mạnh - Ảnh TTXVN

Thành phố tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải: Các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, các trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô; phát triển nhiều công trình lớn, hiện đại, như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 07 cầu vượt, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…

Công tác quản lý đô thị, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương xây dựng, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, văn minh đô thị được tăng cường, nhất là sau hơn hai năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Nếp sống văn minh đô thị, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đời sống của nông dân Thủ đô được cải thiện và ngày càng nâng cao. Trong 5 năm, đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đã xây dựng được thương hiệu có uy tín; bước đầu hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; một số hợp tác xã nông nghiệp được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Thủ đô được cải thiện, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2015 ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, gấp 2 lần so với năm 2011.

Dự kiến đến cuối năm 2015, toàn Thành phố có 166/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43% tổng số xã (cả nước đạt 20%). Việc dồn điền, đổi thửa đạt trên 97% những diện tích có thể dồn điền đổi thửa, tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, tích cực để từng bước khắc phục tình trạng quá tải của các bệnh viện. Giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã đầu tư trên 3.068 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 49 dự án của 37 bệnh viện trên địa bàn.

Công tác dân số, gia đình được chú trọng, bảo đảm ổn định mức tăng dân số tự nhiên và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Việc chăm sóc sức khỏe, bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể, còn dưới 10%. Thực hiện tốt các chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Các chương trình, đề án, kế hoạch về giải quyết việc làm, dạy nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn, phát triển thị trường lao động được thực hiện có hiệu quả. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề, truyền nghề cho trên 15 vạn lao động và giải quyết việc làm cho 14 vạn lượt lao động; tỷ lệ thất nghiệp còn dưới 4,8%. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện trong nhân dân tiếp tục mở rộng và phát triển.

Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội giảm nghèo, hỗ trợ người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, v.v... được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng trên. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 giảm xuống còn 1,71%.

Đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường.

Việc bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa được tiến hành đồng bộ và có chuyển biến tích cực. Hoạt động văn học, nghệ thuật, giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục mở rộng, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được chú trọng và đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở tiếp tục được triển khai đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy.

Khoa học và công nghệ được đẩy mạnh đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung lãnh đạo xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ Thủ đô. Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của các đề tài, dự án ngày càng cao. Các dự án đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ được đẩy mạnh.

Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục được đổi mới, phát triển, dẫn đầu cả nước về các tiêu chí: quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tiếp tục được hoàn thiện; trường Đại học Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập cuối tháng 12/2014; công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh cả về hình thức, loại hình, quy mô và chất lượng.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững; quốc phòng và quân sự địa phương ngày càng được củng cố, tăng cường. Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực. Đã kiềm chế, từng bước đẩy lùi hoạt động của các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm được nâng lên. Đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch, mô hình mới, tạo sự đột phá, hiệu quả cao trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, được nhân dân Thủ đô ghi nhận và nhân rộng kinh nghiệm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Nhiều cam kết hợp tác song phương, đa phương được ký kết và triển khai có hiệu quả. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác được củng cố và tăng cường; kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng.

Hệ thống chính quyền, MTTQ các cấp tiếp tục được kiện toàn vững mạnh và hoạt động có hiệu quả. Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các kỳ họp và ban hành nghị quyết, chất lượng hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; phát huy được vai trò, hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, trọng tâm là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chú trọng hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao trình độ, năng lực thực thi công vụ, ý thức, trách nhiệm và hiệu quả phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công có nhiều chuyển biến. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, tạo được nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng cao. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn chặn các hành vi tiêu cực; nâng cao nhận thức, ý thức tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên; công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt là xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ có chuyển biến tốt hơn. Qua kiểm điểm tự phê bình, từng tập thể cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên đã nỗ lực, quyết tâm tự sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng nhân tố điển hình, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, tiêu cực và xử lý nghiêm vi phạm, tạo ra bước chuyển biến mới về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Huy Anh

Top