5 món bún đặc trưng của ẩm thực Hà Thành

20/03/2017 3:11 PM

(Chinhphu.vn) - Bún luôn là một trong những món ăn đặc sắc của ẩm thực Hà Thành. Dưới đây là 5 món bún đặc trưng mà bất cứ du khách nào cũng muốn thưởng thức khi khám phá Hà Nội.

Bún chả

Bún chả

Nhắc đến ẩm thực Hà Nội là nói đến bún chả, một món ăn truyền thống đã có từ rất lâu đời. Thịt để làm bún chả ngon nhất là thịt lợn nạc vai, được chế biến thành hai loại là chả miếng và chả băm, sau đó nướng trên than hoa. Bạn có thể ăn một loại chả hoặc cả hai, tùy khẩu vị. Bún chả ngon nhất khi ăn với bún lá, chấm nước mắm pha chua mặn ngọt, có kèm tỏi và ớt, một ít dưa góp từ đu đủ xanh và không thể thiếu đĩa rau sống.

Làm bún chả đơn giản, nhưng để ngon phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và bí quyết gia truyền, đặc biệt trong cách pha nước chấm. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng khác nhau trong cách ăn và mùi vị của nước chấm. Người Hà Nội thường ăn bún chả nhiều vào buổi trưa. Ở Hà Nội, bún chả nổi tiếng nhất là ở Hàng Mành, nhưng giờ đây bạn có thể bắt gặp món ăn này ở khắp mọi nơi và có thể ăn kèm nem rán. Giá mỗi phần ăn dao động từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng.

Bún thang

Bún thang

Bún thang là một món ăn tinh túy của người Hà Nội. Bún thang rất phổ biến ở Hà Nội, nhưng không có nhiều hàng ngon bởi làm bún thang là một quá trình đòi hỏi sự cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến chế biến, với rất nhiều nguyên liệu. Rau răm, rau mùi, tôm bông, trứng gà rán mỏng, lườn gà, giò lụa thái sợi rải đều trong bát bún sợi nhỏ. Một bát bút thang đầy đủ cũng không thể thiếu củ cải ngâm.

Nước dùng phải là loại nước trong, chan khi còn nóng hổi. Một nồi nước dùng ngon cũng là một sự tổng hợp từ xương gà, tôm khô, sá sùng (nếu có) để ngọt nước. Ăn bún thang là phải kèm gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu và thêm chút mắm tôm. Sẽ thật là thiếu khi nói về bún thang Hà Nội mà không nói đến tinh dầu cà cuống, nếu có sẽ rất dậy mùi. Nhưng rất tiếc hiện nay hầu như không còn nguyên liệu này.

Bún riêu cua

Bún riêu cua

Bún riêu cua là món bún truyền thống lâu đời của người miền Bắc. Riêu cua là dạng canh chua được nấu từ gạch cua, thân cua giã và lọc cùng với cà chua, mỡ nước, dấm bỗng và các loại gia vị khác. Ăn bún riêu cua sẽ không thể thiếu rau sống và một chút mắm tôm cùng ớt chưng. Món ăn sẽ rất tuyệt vào bữa sáng mùa hè để bạn cảm thấy tràn trề năng lượng cho cả ngày mới.

Bún riêu cua Hà Nội đã thay đổi khá nhiều theo thời gian. Nếu trước đây, bát bún truyền thống chỉ đơn giản những nguyên liệu kể trên, thì nay bát bún đầy đặn hơn rất nhiều với đủ các loại đồ ăn kèm như giò tai, đậu phụ, thịt bò… Dù vậy, ngày nay nhiều người vẫn thích hương vị xưa và tìm đến những hàng quán có hương vị của quá khứ. Giá mỗi bát bún riêu cua dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng.

Bún ốc

Bún ốc

Bún ốc là món cũng thường được bán cùng với bún riêu bởi có sự tương đồng trong cách chế biến và hương vị. Bún ốc sử dụng bún rối, sợi nhỏ. Nước dùng là nước ninh xương lấy nước trong, có dấm bỗng, thêm cà chua. Người Hà Nội thường ăn bún ốc với hai loại ốc được gọi tên dân dã là ốc to (ốc mít, ốc nhồi) và ốc nhỏ (ốc vặn hay ốc đá) chọn con to vừa, luộc vừa chín, khêu ruột để sẵn trên bát. Ăn bún ốc cần có ớt chưng, ăn cùng rau sống. Bún ốc có thể ăn nóng hoặc nguội, chấm hoặc chan. 

Hà Nội có rất nhiều hàng bún ốc nổi tiếng như bún ốc Bà Sáu, bún ốc chị Thêm, bún ốc Khương Thượng, bún ốc tóp mỡ Bạch Mai, bún ốc nguội Ô Quan Chưởng hay các hàng bún ốc trong ngõ chợ Đồng Xuân… Giá mỗi bát bún ốc cũng dao động, từ khoảng 25.000 đồng.

Bún mọc

Bún dọc mùng thịt mọc

Đây là món ăn khá thanh mát, thích hợp vào những ngày trời nóng. Thành phần của món ăn đúng như tên gọi gồm dọc mùng được làm sạch để tránh bị ngứa, thịt chân giò thái mỏng và mọc làm từ giò sống có mộc nhĩ. Nhiều nơi, người bán có phục vụ thêm cả sườn non hay móng giò. Vị chủ đạo của món bún dọc mùng là chua thanh, ngọt mát nhờ nước dùng được ninh xương kỹ và nêm nếm để có hương vị vừa. Khi luộc móng giò và thịt chân giò, người ta thường cho thêm một ít nghệ để món ăn nhìn hấp dẫn. Thịt luộc vừa chín tới, ăn giòn, hơi dai và ngọt thịt.

Khi bún mọc dọc mùng vào Sài Gòn, các quán ăn ở đây thường cho thêm hành phi, giá đỗ. Tùy khẩu vị của gia đình, bạn có thể biến tấu món ăn một chút để cảm thấy ngon miệng. Giá mỗi bát bún cũng khoảng 30.000 đồng. Bạn có thể ăn cả sáng, cả trưa.

(Theo KTĐT)

Top