Ba Vì xây dựng nếp sống văn minh vùng đồng bào dân tộc

07/01/2016 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì ngày càng được phát huy, mang đậm nét văn hóa truyền thống và đặc trưng của đồng bào dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của người dân.

Ảnh minh họa

Nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, huyện Ba Vì có dân số trên 27 vạn người, gồm 30 xã, 1 thị trấn, là nơi sinh sống của 3 dân tộc: Kinh, Mường, Dao. Đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện khoảng gần 25 nghìn người, sống chủ yếu ở 7 xã miền núi. Trong đó, người dân tộc Mường chiếm trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

Ba Vì là địa phương có nhiều danh làm thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội và là vùng đất mang đậm nét văn hóa Việt cổ (văn hóa Việt - Mường), đó là: Văn hóa cồng chiêng, hát ru, ném còn, múa hát sênh tiền, sắc bủa… của dân tộc Mường; múa chuông, tết nhảy… của đồng bào dân tộc Dao. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo riêng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc huyện Ba Vì.

Ông Nguyễn Việt Giao, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì cho biết, việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện Ba Vì đã được đồng bộ thực hiện từ năm 1998, được nhân dân hưởng ứng tích cực, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt trong việc cưới, nếu trước đây chưa có cuộc vận động xây dựng nếp sống văn  minh và các tục lễ cũ rất rườm rà như: Thách cưới bằng bạc trắng hoa xòe, giết trâu, mổ lợn mang lễ đi nhà gái; tục cưới tảo hôn… Đến nay, đồng bào dân tộc đã bỏ hẳn các tục lệ này. Các đám cưới thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND xã; các nghi lễ theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức đơn giản, vui vẻ, lành mạnh. Các đám cưới không còn mời khách tràn lan, việc tổ chức tiệc cưới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình, không còn lệ ăn cỗ cả làng như trước kia.

Trong việc mừng thọ, hiện đồng bào đã duy trì hình thức gặp mặt chúc mừng, trao nhận hội người cao tuổi Việt Nam, tặng quà, chụp ảnh lưu niệm… cho các cụ đến tuổi mừng thọ tại nhà văn hóa thôn và thống nhất quy định thời gian để gia đình, con cháu chúc thọ ông, bà, cha, mẹ. Hầu hết các cụ vận động con cháu trong gia đình không tổ chức khao thọ mà chỉ mừng thọ trong phạm vi gia đình, con cháu, không mời khách ăn uống linh đình, dài ngày.

Theo ông Nguyễn Việt Giao, chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh trên địa bàn huyện Ba Vì là trong thực hiện việc tang. Đối với đồng bào Dao xã Ba Vì, huyện Ba Vì, đây là một kết quả tích cực. Khi gia đình có việc tang, không còn tục mời thầy cúng về cúng 2- 3 ngày, đội khăn tang đi mời khắp làng… Việc tang của của đồng bào Dao hiện chỉ làm trong một ngày, có sự giúp đỡ của chính quyền thôn, đoàn thể. Các đám tang đều đã xóa bỏ thủ tục rườm rà, lạc hậu.

Trong việc tổ chức, quản lý lễ hội, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đã có những tiến bộ tích cực. Với 45 di tích trên địa bàn, công tác tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo về nội dung, kế hoạch, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của người dân, không để xảy ra hiện tượng mê tín di đoan, bói toán tại khu vực tổ chức lễ hội.

Ông Nguyễn Việt Giao cho biết, những kết quả đạt được là do huyện thường xuyên tuyên truyền tới nhân dân về cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội. Gắn cuộc vận động với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới để các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội được người dân tự giác thực hiện.

Gia Huy

Top