Bài 2: Giữ vững ‘vùng xanh’ để khôi phục, phát triển kinh tế

09/10/2021 12:52 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện TP. Hà Nội đã nới lỏng dần giãn cách, người dân bắt đầu tham gia hoạt động cộng đồng, doanh nghiệp tái khởi động khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong lúc này, nhiệm vụ chính của các quận, huyện là phải nỗ lực giữ vững “vùng xanh”, bảo vệ tốt sức khỏe người dân, từng bước khôi phục, đưa kinh tế tiếp tục phát triển.

Thành viên tổ COVID-19 cộng đồng là lực lượng quan trọng giúp giữ vững “vùng xanh”. Ảnh: Diệu Anh

* Bài 1: Dựa vào dân, huy động sức dân, quyết tâm giữ thành quả chống dịch

Vẫn cần bảo vệ “vùng xanh”

Hơn 2 tháng mới được đi ra khỏi nhà, mặc dù tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng nhưng với bà Vũ Thị Châm (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) vẫn luôn trong tâm thế phòng dịch, tuân thủ “5K” khi đi chợ. Bà Châm cho hay, khó khăn lắm chính quyền địa phương và người dân TP. Hà Nội mới được thành quả như hôm nay.

Nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn, do vậy nếu mỗi người dân tuân thủ quy định, cùng nhau tiếp tục phòng, chống dịch, cố gắng giữ “vùng xanh” thì đời sống người dân sẽ an toàn hơn.

Tổ dân phố số 15, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) là khu vực có đông dân cư với hơn 2.000 hộ dân, lại có nhiều nhà xưởng nên số lượng lao động thuê trọ rất lớn. Do đó, việc tháo dỡ các chốt bảo vệ “vùng xanh” cũng đồng nghĩa với việc thành viên tổ COVID-19 cộng đồng của tổ dân phố phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt việc đi lại của người dân.

Là Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 15, ông Vũ Công Đăng chia sẻ, việc chống dịch đã bước sang giai đoạn mới, do đó để giữ vững “vùng xanh” an toàn là điều rất quan trọng. “Công việc khá nhiều và phức tạp khi chúng tôi phải rà soát số người quay trở lại làm việc; đề nghị ban quản lý các nhà chung cư nhắc nhở cư dân giữ nguyên tắc “5K”… Dù vất vả nhưng các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”, ông Đăng nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (quận Long Biên) Lưu Ngọc Tiến, hiện nay, phường có 161 tổ COVID-19 cộng đồng ở 23 tổ dân phố, thường xuyên giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân thực hiện phòng dịch. Cùng đó, phường đã tổ chức cho hơn 30 cơ sở kinh doanh ăn uống và hơn 30 cơ sở y tế tư nhân ký cam kết phòng, chống dịch.

Dù quy định phòng dịch được nới lỏng, chốt kiểm soát được dỡ bỏ nhưng tổ COVID-19 cộng đồng của các tổ dân phố vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát các hàng quán thực hiện việc chỉ bán mang về, đóng cửa đúng giờ quy định. Các tổ liên gia tiếp tục giữ vai trò là “pháo đài”, cùng nhắc nhở nhau chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới".

Tương tự, mục tiêu giữ vững "vùng xanh" an toàn tại xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) cũng đang được chính quyền và nhân dân địa phương triển khai hiệu quả. Chủ tịch UBND xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) Lại Văn Quyết cho biết, khi dịch bùng phát mạnh ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam, người dân đi làm ăn xa mong muốn trở về gia đình. Nắm bắt được nhu cầu đó, xã đã phát huy vai trò của 44 tổ COVID-19 cộng đồng để rà soát, thống kê ngay các gia đình có người đi làm ăn xa; yêu cầu khi nào về quê phải báo trước để bố trí tiếp nhận, yêu cầu ra trạm y tế khai báo và kiểm tra sức khỏe, ra quyết định cách ly và giao cho thôn, các tổ COVID-19 cộng đồng giám sát. Nhờ vậy, toàn xã Tri Thủy có dân số 11.000 người, gồm 5 thôn và 1 xóm nhưng đến nay cơ bản an toàn.

Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với tâm thế vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Diệu Anh

Tập trung phát triển kinh tế

Ngay sau khi TP. Hà Nội nới lỏng giãn cách, người dân trên địa bàn huyện Thường Tín đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất. Các hoạt động kinh tế-xã hội tại 29 xã, thị trấn đã sôi động trở lại.

Hiện huyện Thường Tín hiện có hơn 700 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm, điểm công nghiệp. Sau ngày 21/9, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với tâm thế vừa chú trọng sản xuất, mở lại thị trường, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Với các phương án “1 cung đường, 2 điểm đến, 3 tại chỗ”, cùng các biện pháp 5K, quét mã QR được áp dụng nghiêm túc, người lao động được tiêm vaccine mũi 1... chính là yếu tố giúp doanh nghiệp tận dụng ngay từ những ngày đầu tiên được nới lỏng giãn cách để khôi phục và duy trì sản xuất, giúp ổn định đời sống người lao động, đảm bảo đơn hàng, chất lượng sản phẩm, kéo lại thị trường.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, cùng với sự nỗ lực vào cuộc nhanh chóng triển khai mọi hoạt động thì việc giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương đối với hoạt động sản xuất, nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch; bảo đảm chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm không bị gián đoạn; giữ ổn định đời sống người lao động; góp phần trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép cũng được huyện triển khai tích cực.

Nhân rộng và duy trì “vùng xanh” an toàn dịch bệnh. Ảnh: Diệu Anh

Tại huyện Thanh Trì, Bí thư Huyện ủy Lê Tiến Nhật cho biết, huyện sẽ phát động phong trào thi đua “xanh hóa” tại các xã, thị trấn để nhân rộng và duy trì “vùng xanh” an toàn dịch bệnh; bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải triển khai quét mã QR. Ngoài ra, từng xã phải thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh và kiên quyết ngừng hoạt động nếu các cơ sở không bảo đảm yêu cầu phòng dịch.

Song song với yêu cầu phòng, chống dịch, huyện sẽ tiếp tục tập trung bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch; thực hiện các giải pháp giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động sau dịch bệnh…

Còn tại quận Thanh Xuân, ngoài công tác phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe cho người dân, quận cũng điều chỉnh một số giải pháp thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người lao động và cộng đồng.

Tương tự, quận Hai Bà Trưng cũng đã có văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó, từ ngày 28/9, đối với các hoạt động được Thành phố cho phép mở lại, quận yêu cầu người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện nguyên tắc “5K” và bắt buộc quét mã QR. Quận cũng giao chủ tịch UBND các phường trên địa bàn hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh xây dựng kịch bản theo nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”…

Có thể thấy, phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, gắn sản xuất, kinh doanh với phòng, chống dịch COVID-19 đã được nhiều quận, huyện triển khai nghiêm túc, bài bản để nhịp sống bình thường sớm trở lại với Thủ đô và cả nước.

Diệu Anh

* Bài 3: Ổn định khôi phục sản xuất, bảo đảm đời sống công nhân

Top