Bàn hướng đi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thời COVID-19

28/08/2021 9:27 AM

(Chinhphu.vn) - Tối 27/8, tọa đàm online “Chiến lược và hướng đi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thời COVID-19” do Công ty CP Đào tạo và Phát triển Doanh nghiệp DGroup, CLB Doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), cộng đồng doanh nhân Việt Nam tổ chức đã thu hút gần 200 doanh nghiệp tham gia.

Ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh là giải pháp để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn COVID-19. Ảnh minh họa

Tọa đàm được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm để doanh nghiệp có giải pháp cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất, trụ vững trước ảnh hưởng tác động của đại dịch.

Theo Cục thống kê Hà Nội, công dồn trong 8 tháng đầu năm nay, hơn 2.000 doanh nghiệp đã giải thể. 9.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và có 7.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, từ nay đến hết năm, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh thì số lượng doanh nghiệp phá sản cũng ở mức 100.000. Thực tế cho thấy, thiếu tiền vốn để duy trì hoạt động là một trong những khó khăn của doanh nghiệp khiến nhiều doanh nghiệp phá sản. Một doanh nghiệp khi mất đi tính thanh thoản khoản và khả năng chi trả sẽ kéo theo các đối tác của họ không thu xếp được dòng tiền và mất thanh khoản theo sau đó.

Ngoài ra, vấn đề ngăn cách giao thông, sức cầu kinh tế thấp trong khi nguồn cung có sẵn, như nông sản tràn trề, đã dẫn đến xuất khẩu cũng gặp khó, khiến doanh nghiệp có hàng hóa cũng không thể có dòng tiền.

Bà Vũ Thị Thuận - nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Traphac cho rằng khó khăn chung của các doanh nghiệp chính là sức mua của người dân giảm nhiều. Do thực hiện giãn cách, đi lại khó khăn, người dân chỉ sử dụng những dịch vụ, sản phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp, chi phí sản xuất, phân phối là rất lớn, như sản xuất 3 tại chỗ, xét nghiệm cho lái xe, người lao động... dẫn đến chi phí tăng trong khi doanh thu của doanh nghiệp lại giảm.

Để biến khó khăn thành thách thức rồi nỗ lực vượt qua, chuyển đổi hình thức làm việc, quản trị, theo và Vũ thị Thuận, doanh nghiệp cần có tinh thần tích cực chống dịch để duy trì sản xuất; nhanh chóng ứng dụng công nghệ số; điều chỉnh lại toàn bộ quy trình làm việc; đưa ra những sáng kiến để hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn; cắt giảm chi phí không cần thiết để ứng dụng cho công nghệ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, doanh nghiệp nên có kế hoạch về chiến lược phát triển, kế hoạch tài chính dưới những kịch bản diễn biến của dịch bệnh và lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng, tìm những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tìm cách hỗ trợ về tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh, hiện nay, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, điều này khiến hoạt động giao thương hàng hóa bị ách tắc, do đó, các Bộ ngành phải có chính sách phải dài hơi hơn. Trong đó, các chính sách về giãn, hoãn, tạo thị trường cần sớm thực hiện mới tạo sự liên kết mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, các giải pháp về thuế, tài chính, thủ tục hành chính chỉ là giải pháp căn cơ, còn giải pháp trước mắt phải là làm sao để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa.

Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua khủng hoảng, ngoài giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, việc xây dựng lại nội lực bằng ứng dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh để phục hồi của doanh nghiệp cũng là điều hết sức cần thiết.

Minh Anh

Top