Bảo đảm thu nhập, ‘giữ chân’ người lao động

21/09/2021 3:03 PM

(Chinhphu.vn) – Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, để “giữ chân” người lao động, giúp người lao động gắn bó với công ty, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn cố gắng duy trì sản xuất, xây dựng các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt phương án chống dịch, bảo đảm thu nhập cho công nhân. Ảnh: Diệu Anh

Nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm chuỗi sản xuất không bị “đứt gãy”. Điển hình như Công ty TNHH Lixil Việt Nam (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) đã thực hiện phương án "3 tại chỗ".

Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí phòng ốc, trang bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt cho công nhân thực hiện "3 tại chỗ", Công đoàn còn đề xuất Ban Giám đốc hỗ trợ công nhân từ 150.000-300.000 đồng/người, ngoài việc hưởng 100% mức lương theo quy định. Đối với những trường hợp người lao động đang phải thực hiện cách ly, phong tỏa, Công ty sẽ trả 70% lương.

“Khó khăn rất nhiều nhưng Công ty vẫn đang "gồng mình" nỗ lực thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất, để giữ việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động”, ông Toản nói.

Chị Vũ Thị Hà quê ở Nam Định ra Hà Nội học việc. Sau một thời gian chị xin vào làm việc tại Công ty. Khi chưa có dịch bệnh, thu nhập của Hà khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Để tiện đi lại, làm việc, chị thuê nhà gần Công ty. Nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chị Hà cùng nhiều lao động khác phải làm việc tại nhà. Đáng mừng là Công ty hết sức tạo điều kiện cho người lao động làm việc từ xa… Vì thế, thu nhập của chị Hà không bị giảm nhiều, vẫn được khoảng 5 triệu đồng/tháng.

“Với những chính sách chăm lo chu đáo, ân cần của Công ty, khi hết dịch bệnh, mọi thứ trở về hoạt động như trước đây thì dù có khó khăn đến đâu thì tôi vẫn ở lại làm việc tại Công ty”, chị Hà vui vẻ nói.

Cũng thực hiện biện pháp “3 tại chỗ” kể từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Xí nghiệp quản lý Cụm công trình đầu mối Yên Sở cho biết, hiện nay Xí nghiệp có khoảng 200 công nhân thực hiện “3 tại chỗ” nhằm giữ tuyệt đối an toàn cho các trạm bơm, bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời cho thành phố Hà Nội trong bất kì trường hợp nào.

Với đặc thù ngành nghề thì việc thực hiện “3 tại chỗ” tại các tạm bơm là hết sức cần thiết. Khi thực hiện “3 tại chỗ”, Xí nghiệp đã xây dựng các phương án dự phòng, chuẩn bị sẵn bếp ăn, kho lương thực, thực phẩm, chỗ ngủ, test nhanh COVID-19 thường xuyên và đăng ký tiêm vaccine cho người lao động.

“Cùng với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị tâm lý cho người lao động, bởi rất nhiều lao động còn có con nhỏ ở nhà. Xí nghiệp cố gắng bảo đảm lương và chế độ hỗ trợ cho người lao động”, ông Phạm Ngọc Toàn cho hay.

Để công nhân an tâm sản xuất, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo các vật dụng cần thiết, Xí nghiệp còn hỗ trợ người lao động 3 bữa ăn/ngày và thêm các khoản phụ cấp khác…

Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hà Nội cho rằng, duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, nỗ lực ấy của các doanh nghiệp rất đáng trân trọng. Về phía người lao động, hiểu được khó khăn của doanh nghiệp nên họ sẵn lòng chia ngọt sẻ bùi.

“Tinh thần đồng hành của người sử dụng lao động và người lao động là nền tảng phát triển doanh nghiệp bền vững”, ông Thường nhấn mạnh.

Có thể thấy, mặc dù doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn nhưng vẫn tìm cách để duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn là nỗ lực đáng trân trọng. Chính hoạt động này đã giúp người lao động hiểu và cảm nhận được những giá trị tinh thần tập thể, qua đó tạo niềm tin gắn bó với doanh nghiệp, từng bước khôi phục sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”.

Diệu Anh

Top