Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

06/09/2018 11:17 AM

(Chinhphu.vn) – Sáng 6/9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Thùy Linh

Tham dự Tọa đàm có gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương, TP. Hà Nội, các Sở, ngành và các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế và trong nước thuộc các lĩnh vụ khảo cổ học, sử học, bảo tồn, bảo tàng, kiến trúc đô thị, lâm nghiệp, địa chất môi trường,…

Báo cáo dẫn đề Tọa đàm, TS. Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cho biết, Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 2010. Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành-Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc mà còn mang tầm vóc của nhân loại.

Bên cạnh những di tích còn hiện hữu trên mặt đất như Đoan Môn, thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc,… một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học hiện đang được bảo tồn tại chỗ. Các dấu tích kiến trúc ở các lớp văn hóa chồng xếp lên nhau là chứng cứ để xác định niên đại của khu di tích.

Mục đích nhằm bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là công việc đã và đang được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và các nhà khoa học.

Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long –Hà Nội đã thực hiện các công tác về di sản thế giới như công tác quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới… Những kết quả đó làm tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Bên cạnh đó, Hoàng thành Thăng Long còn nhận được sự quan tâm, gắn bó của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu.

Tọa đàm hôm nay nhằm trao đổi về nghiên cứu khoa học, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác về lĩnh vực di sản văn hóa, chia sẻ và học tập kinh nghiệm về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, học tập kinh nghiệm, đưa ra định hướng, kế hoạch hành động để từng bước nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị nhiều mặt của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Nội dung Tọa đàm tập trung vào 3 chủ đề gồm: công tác nghiên cứu cac dấu tích kiến trúc tại Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Khu Thành cổ Hà Nội; công tác bảo quản di tich, di vật; công tác phát huy giá trị di sản.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe 11 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học Pháp, Nhật Bản và Việt Nam. Các bài tham luận đề cập đến nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu, bảo tồn, bảo quản, phục dựng… di tích di vật trong các khu di sản cũng như kinh nghiệm quản lý, quảng bá, tuyên truyền và phát huy giá trị di sản.

Điển hình như tham luận “Một số nhận thức mới về di tích Hoàng thành Thăng Long tại Khu vực trung tâm chính điện Kính Thiên qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học  năm 2011-2017 và vấn đề” của PGS.TS Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam) đưa ra những nhận thức mới dựa vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ năm 2011-2017; tham luận “Kiến trúc tròn và Bát giác tại các nước Đông Á và Việt Nam của GS. Ueno Kunikazu (Trường Đại học Nữ Naza-Nhật Bản) đưa ra những khảo sát về vết tích kiến trúc Bát giác, kiến trúc tròn phát hiện tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long; trục chính của kiến trúc và quần thể kiến trúc; kiến trúc gỗ truyền thống của Việt Nam;…

Cùng với đó, Tọa đàm đã làm rõ những hạn chế, vướng mắc, khó khăn đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị trong các Khu Di sản thế giới hiện nay; tìm ra nguyên nhân cách thức, hướng đi nhằm hướng tới mục tiêu vì sự phát triển của các khu di sản thế giới.

Thùy Linh

Top