Cần chính sách đặc thù để liên kết sản xuất nông sản an toàn

09/09/2016 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Do chỉ đáp ứng được 50% tổng lượng nhu cầu nông sản thực phẩm của người dân trên địa bàn nên Hà Nội cần bắt tay liên kết với các tỉnh, thành để sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm an toàn. Tuy nhiên hiện nay, đối với các tỉnh, thành, Hà Nội chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để thúc đẩy đầu tư liên kết phát triển.

Ảnh minh họa

Liên kết còn lỏng lẻo

Theo Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, hiện thành phố có hơn 1,6 nghìn trang trại đạt tiêu chí, các trang trại tập trung sản xuất đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra các loại nông sản thực phẩm cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó thành phố cũng có hơn 1 nghìn HTX, doanh thu bình quân trên 990 triệu đồng/HTX.

Ngoài ra, Hà Nội hiện có trên 154 nghìn doanh nghiệp, là địa phương đứng thứ hai trong cả nước về số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Trong đó có khoảng hơn 1,1 nghìn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Và các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất kinh doanh vật tư đầu vào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm. Đây là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tổng vốn kinh doanh thấp (tỷ lệ có vốn kinh doanh dưới 10 tỷ đồng, chiếm trên 80% tổng số doanh nghiệp). Do quy mô nguồn vốn ít nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, do đặc thù của nông nghiệp chịu nhiều rủi ro của điều kiện thời tiết và những biến động phức tạp của giá cả thị trường cũng như nhiều tác động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới… nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp khó thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác. Ngoài ra, tính liên kết và khả năng hội nhập của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, mối quan hệ liên kết giữa các doanh nghiệp và người sản xuất lỏng lẻo, phần nào đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Một vấn đề đáng lo ngại khác, là hệ thống phân phối nông sản thực phẩm, thành phố Hà Nội tuy hiện có 425 chợ và 24 trung tâm thương mại, 136 siêu thị và trên 1 nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành). Tuy nhiên, hiện tại một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và sau đó đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng (chiếm khoảng gần 80%). Lượng nông sản thực phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc được tiêu thụ qua kênh siêu thị, cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn mới chỉ chiếm 20%.

Trong khi đó, vấn đề VSATTP đang được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm chỉ đạo, coi đây là chương trình trọng tâm của Quốc gia. Trung ương và thành phố đã ban hành một số chính sách hỗ trợ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thực phẩm. Nhưng thành phố chưa có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, để từ đó thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đối với người sản xuất đôi khi chỉ thấy lợi trước mắt không chú ý đến doanh nghiệp và người tiêu dùng nên chưa chú ý đến sản phẩm an toàn, chưa quan tâm đến việc chia sẻ với doanh nghiệp, sản xuất nhiều nơi chưa theo định hướng thị trường.

Mặt khác, chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư phát triển sản xuất ở các tỉnh, thành phố khác nên chưa khuyến khích được vai trò liên kết hợp tác sản xuất giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Khó khăn về địa lý, khâu vận chuyển, kho bãi đặc biệt đối với sản phẩm trái cây tươi, khâu sơ chế, chế biến và bao gói sản phẩm để đưa về tiêu thụ tại Hà Nội chưa đáp ứng.

Cần chính sách phù hợp

Đứng trước những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, để tháo gỡ, trước hết Hà Nội cần phải có cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, để từ đó thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó cần bổ sung chính sách ưu đãi về thuê đất đai sát với thực tế để phục vụ sản xuất trong nông nghiệp. Tạo cơ chế vay vốn với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về chính sách, thị trường cũng như các hỗ trợ về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Ngoài ra cần tạo cho doanh nghiệp có cơ hội được tìm hiểu và tiếp cận các công nghệ mới trong và ngoài nước. Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp… cũng như các tổ chức nước ngoài để trao đổi thông tin, chuyển giao, tiếp nhận các tiến bộ KHKT trong nông nghiệp.

Cung cấp thông tin về vùng sản xuất, sản phẩm đặc trưng, doanh nghiệp tiêu thụ, thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp kết nối hiệu quả. Đồng thời tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong và ngoài thành phố.

Mặt khác, để bảo đảm sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, công tác thanh kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm cần phải được thực hiện nghiêm ngặt. Các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước cần làm mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các đơn vị, các doanh nghiệp… vi phạm, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tú Mai

Top