Cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết 2021

04/12/2020 4:13 PM

(Chinhphu.vn) - Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021”.

Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-22%. Ảnh: Thùy Linh

Dự trữ hàng hóa Tết tăng 5% so với kế hoạch năm 2020

Báo cáo của Sở Công Thương TP. Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 11/2020, Sở đã xây dựng Kế hoạch và triển khai bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, xác định lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 3 tháng trước, trong và sau Tết): gạo 292.500 tấn; thịt lợn 56.700 tấn; thịt gà 18.900 tấn; thịt bò 18.459 tấn; trứng gia cầm 396 triệu quả; rau củ 315.000 tấn; thực phẩm chế biến 18.114 tấn; thủy hải sản 15.750 tấn; trái cây 156.000 tấn.

Đánh giá khả năng cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thời điểm hiện tại: Gạo 169.164 tấn (đáp ứng 57,7%); thịt lợn 52.500 tấn (đáp ứng 92%), thịt gà hơn 38.100 tấn (nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng); trứng gia cầm 351 triệu quả (đáp ứng 88,4%); thịt bò 2.688 tấn (đáp ứng khoảng 14,56%); thủy hải sản nước ngọt 27.240 tấn (cơ bản đáp ứng nhu cầu về thủy sản nước ngọt, các loại thủy sản nước lợ và nước mặn phải nhập từ các tỉnh để cung cấp cho nhu cầu người dân), thực phẩm chế biến 2.775 tấn (đáp ứng 15,3%); rau củ 201.897 tấn (đáp ứng 64%), trái cây 45.000 tấn (đáp ứng 28.8%).

Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 22% so với Kế hoạch Tết 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện Phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).

Kịp thời điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu khai thác hàng hóa; phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động giao thương với 4 tuần hàng trái cây nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; hỗ trợ tổ chức 15 tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh tại Hà Nội (Sơn La, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Tháp, Quảng Ninh...). Đồng thời, giới thiệu 28 địa điểm trên địa bàn đến các tỉnh, thành phố đăng ký tổ chức Điểm bán sản phẩm các tỉnh, thành phố tại Hà Nội từ tháng 9/2020 đến hết quý I/2021;…

Kết quả, đã có trên 400 sản phẩm, mã hàng mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ đưa vào hệ thống phân phố như hệ thống Vinmart kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 44.000 tấn, giá trị đạt 560 tỷ đồng; BigC Thăng Long kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 10.520 tấn, giá trị đạt 206 tỷ đồng;...

Ngoài ra, Sở cũng đã tổ chức các chương trình bán hàng kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhân dân như tổ chức và phối hợp tổ chức 5 phiên chợ Việt, 100 chuyến bán hàng lưu động; duy trì 807 điểm bán trái cây an toàn, 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường vỉa hè tại các quận. Tổ chức và phối hợp tổ chức thành công các sự kiện trong chương trình tháng khuyến mại năm 2020; tổ chức thành công Sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ” từ ngày 27/11/2020-02h ngày 28/11/2020 thu hút được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn, khai trương và đưa vào hoạt động 11 điểm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday trong tháng 12/2020 trong khuôn khổ chương trình tháng Khuyến mại; tổ chức Hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 trong tháng 01/2021 với quy mô dự kiến khoảng 200 gian hàng tiêu chuẩn. Dự kiến tổ chức từ 50-60 chợ Hoa Xuân phục vụ Tết, 5 phiên chợ Việt, 300 chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân;

Hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 5 tuần đến 10 tuần hàng tại Hà Nội. Tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại hệ thống các điểm bán hàng (455 chợ, 142 siêu thị, trên 1.800 cửa hàng tiện ích, chuỗi…) trên địa bàn.

Đồng thời, tập trung tuyên truyền, theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên Đán 2021 cũng như tình hình dịch COVID-19 để kịp thời điều tiết cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tăng giá đột biến. Có các giải pháp, phương án khai thác nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021.

Sở cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường tổ chức các chương trình bán hàng để thu hút, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn Thành phố. Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp dự kiến sẽ mở thêm 17 điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát về triển khai công tác phục vụ Tết. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra khoảng 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Công Thương...

Thùy Linh

Top