Cây xanh - nét đặc trưng riêng cho từng tuyến phố Thủ đô

19/01/2018 12:05 PM

(Chinhphu.vn) - Trải qua thăng trầm của lịch sử, cây xanh của Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm và phát triển. Hệ thống cây xanh - mặt nước được ví như lá phổi của đô thị. Trong kiến trúc đô thị, cây xanh là một bộ phận không thể thiếu và mang lại những nét đặc trưng và vẻ đẹp riêng vốn có của mỗi tuyến phố Thủ đô.

Cây xanh là một bộ phận không thể thiếu trong kiến trúc đô thị. Ảnh: Thành Nam

Người dân Hà Nội từ lâu đã nhận ra các tuyến phố bởi các hàng cây xanh đặc trưng của từng con phố. Nhắc đến cây bàng Hà Nội, không ai quên được câu hát “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hay nhạc sĩ Trọng Đài trong bài “Hà Nội đêm trở gió” đã khắc họa nên một không gian xanh ngát hàng cây “Hà Nội ơi xanh xanh màu áo học trò/ Những con đường thân quen còn đó...” làm ta liên tưởng đến hai hàng sấu già, xà cừ cổ thụ trên cùng vỉa hè ở đường Phan Đình Phùng và còn rất nhiều loài cây nữa tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cho đường phố Hà Nội.

Hà Nội còn có con phố Nguyễn Du với cây hoa sữa, phố Đặng Dung là cây xạ hương, với hai hàng sao đen thẳng tắp, hàng phượng vĩ đỏ rực trên đường Thanh Niên, cây cơm nguội vàng cuối đường Yên Phụ. Những cây bằng lăng tím mộng mơ trên phố Thợ Nhuộm, cây me trên phố Ngô Quyền hay mùi hoàng lan dịu dàng đầu đường Thanh Niên... đều trở thành kỷ niệm khó quên của những người con Hà Nội mỗi khi xa Thành phố.

Với việc đa dạng chủng loại, các loại cây được thiết kế 3-4 tầng, đã tạo nên một hệ thống cảnh quan đẹp, hiện đại, phù hợp và đồng bộ với các dự án trên trục đường, tạo dấu ấn và nét đặc trưng riêng cho từng tuyến phố.

Xã hội hóa cải tạo mặt nước, trồng mới cây xanh

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo tích cực về mục tiêu phát triển 1 triệu cây xanh vào năm 2020. Trong quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị, Thành phố luôn đặt mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điều này làm cho Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, diện tích cây xanh đô thị của Hà Nội, trong đó bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên-vườn hoa lại chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng. Tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh…, đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.

Về mặt nước, Hà Nội đứng đầu trong cả nước về số lượng sông hồ như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch, hồ Thiền Quang, hồ Linh Đàm, hồ Giảng Võ, Thành Công, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Nghĩa Tân… và có tới 13 con sông chảy qua Hà Nội. Tuy nhiên việc khai thác sử dụng quỹ mặt nước này phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị vẫn còn nhiều điều chưa hợp lý.

Đáng chú ý, vài năm trở lại đây, nhiều ao, hồ ở Hà Nội bị lấp, lấn chiếm làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa. Ở các khu vực mới phát triển như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng, đã kéo theo nhiều ao, hồ bị san lấp bởi đất cát, rác thải và lấn chiếm để dành đất cho các công trình mọc lên.

Trước thực trạng này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thành phố Hà Nội cần thiết phải đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh trong đô thị. Theo đó, Quy hoạch cây xanh phải được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cần gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng tại các tuyến phố đô thị trung tâm hoặc trục đường giao thông hoặc các đô thị mới. Các giải pháp quy hoạch cây xanh cần được xem xét kỹ hơn về các yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị.

Hệ thống hồ cần được nghiên cứu theo định hướng tạo cảnh quan và điều hòa thoát nước, đặc biệt là sự kết nối điều hòa giữa các hồ thuộc đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái.

Các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, để công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh - mặt nước của Hà Nội đạt được sự bền vững rất cần có sự tham gia của cộng đồng. Nhằm tăng diện tích cây xanh, mặt nước, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì Thành phố cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư cải tạo hồ nước, trồng mới cây xanh.

Theo Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung, Thành phố cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào hệ thống công viên cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ cây xanh, mặt nước, tạo không gian sống xanh, sạch đẹp.

Thành Nam

Top