Chi cục trưởng Chi cục Môi trường nói về chất lượng không khí tại Hà Nội

04/04/2019 4:42 PM

(Chinhphu.vn) - Gần đây, liên tiếp có những thông tin từ chuyên gia về môi trường nhận định và đưa ra cảnh báo về chất lượng không khí tại khu vực Hà Nội và Hồ Chí Minh đang ở mức báo động và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Thông tin này khiến cho nhiều người dân đang sinh sống ở Hà Nội lo lắng.

Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường - Sở TN&MT TP Hà Nội.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường: Nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí xấu đi tại thời điểm này là do điều kiện khí tượng bất lợi, cùng với sự gia tăng các phương tiện giao thông - Ảnh: Việt Hùng

Những ngày qua, chỉ số chất lượng không khí đo được tại khu vực Hà Nội liên tục xuất hiện cảnh báo màu đỏ, tức là ở mức rất nguy hại đối với sức khoẻ con người. Với vai trò là cơ quan chuyên môn quản lý về vấn đề môi trường, ông đánh giá thế nào về tình hình chất lượng không khí tại Hà Nội hiện nay?

Ông Mai Trọng Thái: Từ số liệu quan trắc và kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại 10 trạm quan trắc trong thời gian gần đây cho thấy, chất lượng không khí trên địa bàn TP vẫn chủ yếu duy trì ở mức “Trung bình”. Tuy nhiên, số ngày có chỉ số chất lượng không khí ở mức “Kém” có xu hướng tăng. Ở một vài thời điểm, nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt bụi PM2.5) có trong không khí tăng khá cao. Điển hình như ngày các ngày 26-27/3 vừa qua, chất lượng không khí chủ yếu ở mức “Kém” và “Xấu”.

Các chuyên gia cho rằng, ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng hợp chất hữu cơ dạng hơi mà mắt thường khó nhìn thấy được. Theo ông, ý kiến này có đúng không?

Ông Mai Trọng Thái: Theo tôi, để đánh giá chính xác tỷ lệ % nguồn gây ô nhiễm bụi cần những nghiên cứu khoa học cụ thể. Ngoài ra, do các điều kiện kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hóa thay đổi rất nhanh như hiện nay, các số liệu đánh giá cần được cập nhật, bổ sung và chuẩn hóa. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, nguồn gây ô nhiễm bụi chính vẫn là từ hoạt động giao thông, đặc biệt là từ các phương tiện cũ nát, công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, có thể liệt kê một số nguồn gây ô nhiễm khác như hoạt động dân sinh như nấu nướng (đặc biệt là bếp than tổ ong); đốt phụ phẩm nông nghiệp, đốt rác thải... Cũng phải nói đến nguồn ô nhiễm bụi từ các nhà máy công nghiệp (điện than, sản xuất xi măng, nhà máy thép...) từ các địa phương lân cận, thậm chí từ các quốc gia lân cận có thể góp phần gây ô nhiễm cho chất lượng không khí của Hà Nội.

Theo chúng tôi được biết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những nghiên cứu và đánh giá cụ thể về tác động và lan truyền của các nguồn ô nhiễm liên vùng và liên quốc gia này.

Theo ông, các nguyên nhân làm chất lượng không khí Hà Nội xấu đi như hiện nay là gì?

Ông Mai Trọng Thái: 3 tháng đầu năm, điều kiện thời tiết trên địa bàn TP Hà Nội thay đổi liên tục. Có những ngày, bằng trực quan chúng ta cũng có thể thấy, Hà Nội luôn bị bao phủ bởi một lớp sương mù ở tầng thấp, hoặc khi lưu thông trên đường sẽ cảm thấy khó thở, ngột ngạt…

Nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí xấu đi tại thời điểm này là do điều kiện khí tượng bất lợi. Nhiều thời điểm mùa đông và mùa xuân có có nắng ấm, nền nhiệt vào ban ngày tăng khá cao, nhưng về đêm lại giảm mạnh, dẫn tới khả năng xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, đã tạo ra một lớp sương mù bao phủ toàn thành phố ở độ cao khá thấp. Sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm cho chất ô nhiễm có trong không khí ngày càng tích tụ, khiến chất lượng không khí trong thời gian gần đây xấu đi rõ rệt. Bên cạnh đó, TP Hà Nội vẫn còn chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc; gió mùa có thể mang bụi từ các nguồn ở xa tới, cùng khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi trong không khí tăng cao.

Đương nhiên, những nguồn và nguyên nhân gây ô nhiễm tác động đến chất lượng không khí của Hà Nội là khí thải, khói bụi từ các hoạt động giao thông, các hoạt động xây dựng hoặc nguồn thải từ các khu công nghiệp lân cận…

Ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm “bụi mịn”? Nó có liên quan gì đến chỉ số chất lượng không khí?

Ông Mai Trọng Thái: “Bụi mịn” (hay còn gọi là bụi PM2.5) là bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Loại bụi này rất nhỏ, bằng khoảng 1/30 sợi tóc nên khẩu trang thông thường không thể ngăn chặn được. Chúng tôi thực hiện quan trắc tự động liên tục nhiều thông số để đánh giá chất lượng không khí xung quanh. Tuy nhiên do nồng độ bụi PM2.5 trong không khí là thông số thường có xu hướng cao hơn so với các thông số quan trắc khác, vì thế thường dùng nồng độ bụi PM2.5 để đưa ra chỉ số chất lượng không khí. Như vậy sẽ đảm bảo công bố chính xác và khách quan chất lượng không khí.

Chỉ số AQI được chia ra 5 nhóm, vậy ở ngưỡng nào thì chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và nó ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Ông Mai Trọng Thái: Theo Quyết định số 878/QĐ-TCMT, chỉ số AQI được chia ra làm 5 nhóm gồm nhóm từ 0-50 (không khí tốt), từ 51-100 (không khí trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian bên ngoài), từ 101-200 (không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài), từ 201-300 (không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, nhóm khác hạn chế ra ngoài) và từ 300 trở lên không khí thuộc ngưỡng nguy hại, tất cả mọi người nên ở trong nhà.

Thưa ông, Hà Nội đã làm gì để cải thiện các vấn đề về môi trường không khí và môi trường sống của người dân Thủ đô trong những năm qua?

Ông Mai Trọng Thái: Để cải thiện chất lượng không khí, trong giai đoạn 2017 -2018, Thành phố đã trồng mới hơn 1 triệu cây xanh, cải thiện các công trình giao thông, tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc, tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ, tăng phí trông giữ xe trong thành phố nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95, tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông, thay thế bếp than tổ ong, cấm và hạn chế đốt rơm rạ.

Về phía các hoạt động xây dựng, các công trình cũng bắt buộc phải được che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh, xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu phải được rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường…

Ngoài ra, đầu năm 2017, Thành phố cũng đã lắp đặt thí điểm 10 trạm quan trắc trên địa bàn Thành phố, để theo dõi và đánh giá chất lượng không khí. Bước đầu, từ kết quả quan trắc, người dân cũng đã có thể biết được tình hình chất lượng không khí một số địa điểm trong thành phố và chúng tôi cũng kịp thời có các biện pháp để cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, để đánh giá tổng thể chất lượng không khí trên toàn bộ địa bàn Thành phố chỉ dựa vào 10 trạm quan trắc (trong đó chỉ có 2 trạm cố định) là không thể. Cần phải đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống quan trắc tự động, liên tục cũng như các nghiên cứu, đánh giá sâu hơn.

Theo ông, điều gì là khó khăn cho các nhà quản lý về lĩnh vực này?

Ông Mai Trọng Thái: Quản lí chất lượng không khí ngoài trời hay còn gọi là không khí xung quanh là một lĩnh vực khó, phức tạp vì liên quan đến nhiều ngành (giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, an sinh xã hội...) và nhiều yếu tố khách quan như ô nhiễm liên vùng, liên quốc gia, thậm chí liên lục địa... và đặc biệt là các điều kiện khí tượng thủy văn. Để quản lý tốt chất lượng không khí, việc đầu tiên là cần phải trang bị hệ thống công cụ quan trắc như: mạng lưới trạm quan trắc tự động liên tục, các phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu, các phần mềm mô hình hóa và dự báo ô nhiễm, các chương trình, chiến dịch quan trắc cục bộ, khu vực... để có những đánh giá đúng và chuẩn xác về hiện trạng chất lượng không khí.

Ngoài ra, để quản lý và nâng cao chất lượng không khí nói riêng và chất lượng môi trường nói chung thì ngành tài nguyên môi trường cần sự tham gia đóng góp tích cực của toàn xã hội và đặc biệt là sự chung tay, ủng hộ của mọi tầng lớp người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố.

Xin ông cho biết giải pháp trong thời gian tới của ngành môi trường thành phố trong việc đảm bảo chất lượng không khí và cải thiện môi trường sống của người dân Thủ đô?

Ông Mai Trọng Thái: Thời gian tới, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường tự động liên tục đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố. Với hệ thống trang thiết bị, công cụ đầy đủ và đồng bộ như vậy, các cơ quan chuyên môn của thành phố sẽ có được bộ cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, từ đó giúp chúng ta đánh giá chính xác và khoa học chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường không khí của thành phố. Từ đó, trên cơ sở khoa học, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá phân tích, xác định các tác nhân gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm, xu hướng diễn biến ô nhiễm... để từ đó đưa ra những cơ chế, chính sách kịp thời và chính xác nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí của Thủ đô.

Ngoài ra, Thành phố cũng đang đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện các vấn đề liên quan đến hoạt động giao thông như quy hoạch, quản lý lại giao thông (phần luồng giao thông ô tô, xe máy…; cấm xe tải, taxi ở các tuyến đường đông đúc, tăng giao thông công cộng…). Hiện nay các sở, ban, ngành và Thành phố đang nghiên cứu về lộ trình hạn chế xe máy trên một số tuyến đường vào một số khung giờ cao điểm để để giảm ùn tắc giao thông.

Với vai trò là cơ quan quản lý về môi trường, xin ông cho biết Chi cục có khuyến cáo của các nhà quản lý đối với doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ sức khỏe và góp phần bảo vệ môi trường của chính mình?

Ông Mai Trọng Thái: Như các mức chỉ số AQI chúng tôi đã nêu ở trên, tại các thời điểm điều kiện chất lượng không khí ở mức "Kém", nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian bên ngoài; điều kiện không khí "Xấu", nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, nhóm khác cũng nên hạn chế ra ngoài. Ngoài ra, nếu phải ra ngoài trong điện kiện không khí như thế, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn có thể chống được bụi PM2.5 để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Do đó, để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố chất lượng không khí của cơ quan nhà nước, để có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các thời điểm và tất cả các khu vực trên địa bàn Thành phố lúc nào chất lượng không khí cũng đều ở mức “Kém” và “Xấu” mà nó chỉ xảy ra tại một số thời điểm, khi điều kiện khí tượng bất lợi và lưu lượng phương tiện gia tăng. Còn lại, nhìn chung chất lượng không khí vẫn ở mức “Trung bình”./.

Trân trọng cảm ơn ông./.

Minh Anh (thực hiện)

Top